Từ nguồn gốc của lễ Thất tịch lý giải việc thoát ế bằng cách ăn chè đậu đỏ

Từ nguồn gốc của lễ Thất tịch lý giải việc thoát ế bằng cách ăn chè đậu đỏ

Ông bà chúng ta vẫn có câu: “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, thành gia lập thất là một việc đa phần chúng ta đương nhiên sẽ trải qua khi đến tuổi trưởng thành. Song ngày nay con người lập gia đình muộn hơn thời xưa.

Nhiều thanh niên hiện đại ca thán rằng khó tìm được ý trung nhân vừa ý để kết đôi và tiến tới hôn nhân, họ tự gọi mình là FA theo từ viết tắt Anh ngữ của Forever Alone, nghĩa là “mãi mãi cô đơn”. Áp lực kết đôi khiến các thanh niên độc thân phải đi tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng FA, một trong số đó được rỉ tai nhau chính là: ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch. Đậu đỏ trong ngày 7/7/ âm lịch bỗng trở nên cao giá và được săn đón gần như chocolate và hoa hồng ngày Lễ tình nhân 14/2 vậy. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Lễ thất tịch 7/7 âm lịch, chúng ta hãy tạm rời xa chính sự nóng bỏng để tìm hiểu nguồn gốc ngày Lễ thất tịch, cũng như niềm tin mới xuất hiện về “giải pháp đậu đỏ” này nhé. 

Đi tìm nguồn gốc của Lễ thất tịch và câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ

Nguyên Lễ Thất tịch là chiều tối ngày 7/7 âm lịch hàng năm. Quan niệm thời nay cho rằng, cả năm chỉ có một ngày ấy Ngưu Lang - Chức Nữ đoàn tụ. Lúc chia ly, đôi uyên ương này khóc sướt mướt, nước mắt họ rơi xuống trần trở thành mưa ngâu tháng 7 âm lịch. Và những ngày còn lại trong năm, họ cũng sống phận FA như bao người. 

Đó thực ra chỉ là phiên bản Ông Ngâu Bà Ngâu của Việt Nam. Còn ngày Lễ thất tịch xuất phát từ sự tích của Trung Hoa, và có nhiều phiên bản khác nhau, với một số nội hàm khác nhau, không nhất thiết là chuyện nam nữ tương tư như quan niệm phổ biến. 

Những dấu vết sớm nhất của câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ đã xuất hiện từ trong “Kinh Thi – Tiểu Nhã” vào thời Tây Chu cách đây chừng hơn 2500 năm, nó viết rằng: “Người nước chư hầu phía Đông lấy rượu mà cho, thì người kinh kỳ phía Tây chê không cho đó là vật để uống. Người phía Đông xâu ngọc toại dài ba thước mà cho, thì người phía Tây chê không cho đó là dài. Chỉ trời có sông Ngân, tỏa sáng lấp lánh như tấm gương sáng. Chòm sao Chức Nữ ba góc, suốt ngày đêm chuyển dịch bận rộn. Sao Chức Nữ tuy trải qua bảy lần chuyển dịch, cũng không dệt thành bức gấm nào. Còn sao Khiên Ngưu (Ngưu Lang chăn trâu) lấp lánh kia, cũng không dắt đến con trâu nào để thắng vào xe. Phía đông thì có sao Khải Minh, phía tây thì có sao Trường Canh, hay là sao Thiên Tất uốn cong, xếp thành hàng quanh co bên dải Ngân Hà”. 

Tóm lại, Ngưu Lang Chức Nữ thời đó là chỉ các chòm sao trên trời.

Vào thời Tây Hán, Ngưu Lang Chức Nữ được miêu tả là hai vị Thần Tiên, trong bài “Tây Đô phú” của Ban Cố từng có đoạn miêu tả: “Đến hồ Côn Minh, thấy Khiên Ngưu bên trái, Chức Nữ bên phải, sông Ngân Hà dường như vô bờ”. 

Mãi đến về sau có “cổ thi thập cửu thủ” (19 bài thơ cổ) của thời Đông Hán, thì bắt đầu có manh mối về chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ sau này. Thơ viết:

Sao Khiên Ngưu xa xăm,
Ngân Hà người trắng muốt.
Nho nhỏ động tay thon,
Lách cách khung cửi động.
Cả ngày dệt không thành,
Lệ như mưa rớt xuống.
Sông Hán trong lại nông,
Xa cách thời bao thuở?
Lóng lánh nước một dòng,
Đăm đăm lời chẳng cất. 

(Bản dịch của Điệp Luyến Hoa)

Khiên Ngưu Tinh và Hà Hán Nữ trong thơ là chỉ hai ngôi sao cách nhau trên hai bờ Ngân Hà, nhưng luôn hướng về nhau. Trên bầu trời mùa hạ thời xưa có ngôi sao sáng nhất là Chức Nữ, mỗi khi nhìn ngắm nó, lòng người không khỏi bâng khuâng hay nảy ra những mối tâm sự, dần dần nhân cách hóa thành chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ.

Sau đó, vào thời Nam Bắc triều, trong sách “Thuật Dị Ký” của Nhậm Phảng mô tả chi tiết hơn một mức: “Phía Đông con sông lớn có một mỹ nhân, là con của Thiên Đế, làm công việc dệt vải, làm lụng vất vả năm này qua năm khác, dệt nên những bộ y phục lụa như mây, vất vả khổ cực không có niềm vui, không có thời gian rỗi chỉnh trang dung nhan. Thiên Đế thương xót nàng đơn độc, bèn gả cho anh chàng chăn trâu bên bờ Tây con sông. Từ đó nàng bỏ bê công việc dệt vải, vui vẻ lưu luyến không trở về. Thiên Đế nổi giận, phạt đưa về bờ Đông con sông, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần”. 

Cũng vào thời Nam Bắc triều này, Ân Vân triều Nam Lương viết cuốn sách có tên là “Tiểu thuyết”, trong đó còn miêu tả chi tiết hơn nữa về câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, đồng thời nói về nguyên nhân của cuộc tương ngộ đêm 7/7. Chuyện kể rằng Chức Nữ là con gái của Thiên đế, sống tại bờ Đông của dòng sông Thiên Hà. Nàng quanh năm suốt tháng chăm chỉ cần mẫn bên khung cửi, dệt nên những bộ Thiên y hoa lệ. Thiên Đế thương nàng thân gái vò võ, không ai bầu bạn, bèn gả nàng cho Ngưu Lang tại bờ Tây của dòng sông Thiên Hà. Sau khi xuất giá, Chức Nữ không còn dệt vải nữa. Thiên đế nổi giận, lệnh cho nàng quay về bờ Đông, chỉ cho phép nàng gặp Ngưu Lang một năm một lần. Hàng năm, cứ vào ngày thứ 7 khi bắt đầu vào thu, đầu của những chú chim Hỉ Thước bỗng nhiên lại trọc lốc. Tương truyền rằng, vào ngày Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau tại bờ Đông, chim Hỉ Thước bay tới bắc nên một cây cầu. Ngưu Lang đi trên đầu chúng để vượt sông, khiến lông trên đầu chim Hỉ Thước đều bị rụng hết.

Ý nghĩa của câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ lúc này không nhấn mạnh vào mối tình nhiều cách trở, lắm nước mắt của cặp đôi mà khuyên răn rằng làm người cần phải chăm chỉ. Với người phụ nữ cũng vậy, dẫu họ còn son rỗi hay đã lập gia đình, cũng đều nên chăm chỉ, lo liệu việc nhà, chớ tham thú hưởng lạc, lười nhác ắt sẽ gặp chuyện không hay.

Một phiên bản khác của chuyện Ngưu Lang Chức Nữ là chuyện “hôn nhân với Tiên”. Thực ra chuyện này nhấn mạnh đến chữ Hiếu, và đã được ghi trong danh tác “Nhị Thập tứ Hiếu – 24 tấm gương hiếu hạnh” nổi tiếng của Trung Hoa cổ. Tóm tắt chuyện như sau: Đổng Vĩnh nhà nghèo nhưng cực kỳ hiếu hạnh, anh bán mình cho nhà giàu để có tiền an táng cha. Sau đó thì anh được Tiên nữ hạ phàm, theo về làm vợ, dệt ra lụa thượng phẩm để giúp anh trả nợ và chuộc mình. Xong việc, Tiên lại về trời.

Như vậy, có thể hiểu rằng chuyện Ngưu Lang Chức Nữ đã được hình thành và hoàn thiện dần dần từ những suy tưởng, tình cảm của người xưa khi quan sát tinh tượng. Ý nghĩa ban đầu của nó cũng không nhất thiết là nhấn mạnh vào mối tình dang dở éo le tốn nhiều nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ, mà là nhấn mạnh vào ý thức chăm chỉ, hoặc đề cao chữ Hiếu, là những phẩm chất làm người. Có lẽ phiên bản Ngưu Lang - Chức Nữ của người Việt, tức là Ông Ngâu Bà Ngâu, là phiên bản đẫm lệ hơn cả, bởi vì nó được địa phương hóa theo một hiện tượng thời tiết đặc biệt của miền Bắc Việt Nam: mưa ngâu vào tháng 7 âm lịch. 

Vì thế, ca dao Việt Nam có câu: 

Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền…

Hiện tượng thời tiết thú vị này càng khiến cho câu chuyện trở nên mùi mẫn và thúc đẩy cảm hứng sáng tác của giới văn nhân, nghệ sĩ.

Chẳng hạn như nhạc sĩ tài hoa thời tiền chiến là Đặng Thế Phong đã viết trong nhạc phẩm bất hủ “Giọt mưa thu”:

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
Ai nức nở thương đời, châu buông mau
Dương thế bao la sầu.

Hay là:

Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu

Đó là nói về nguồn gốc của Lễ Thất Tịch. Còn đậu đỏ lại là một câu chuyện khác cũng có xuất xứ từ Trung Hoa, mới thực sự liên quan đến những mối sầu tương tư. Nhưng cần hiểu cho đúng rằng đậu đỏ ở đây không phải là loại đậu đỏ mà người Việt ta vẫn dùng để nấu chè.

Thi hào Vương Duy đời Thịnh Đường có thi phẩm “Tương tư”, liên quan đến “Hồng đậu”. Hồng đậu này không phải đậu đỏ mà là loài thực vật sinh ra ở đất Lĩnh Nam, tức là phía nam Trung Quốc ngày nay.

Thi phẩm viết rằng:

Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti.

Hải Đà dịch:

Nước nam sinh đậu đỏ
Xuân về nở cành xinh
Chàng ơi hái nhiều nhé
Nhớ nhau tha thiết tình

Hồng đậu có hạt hình tròn, màu sắc tươi hồng, hình dạng đáng yêu, thường làm trang sức trên mái tóc phụ nữ. Người xưa lấy cây này làm biểu tượng cho tình yêu nên mới có tên là cây “tương tư”.

Trong kiệt tác điện ảnh “Hồng Lâu Mộng 1987” có một đoạn “cậu Bảo” tức là Giả Bảo Ngọc hát “Hồng đậu khúc” bày tỏ mối tương tư với “em Lâm” tức là Lâm Đại Ngọc. Họ yêu thương nhau nhưng duyên phận cách trở, định mệnh chia lìa. Rốt cuộc, Lâm Đại Ngọc cũng chỉ có thể lấy lệ sầu để trả nợ Giả Bảo Ngọc ở chốn dương gian. Thật cũng lâm li chẳng kém gì Ông Ngâu Bà Ngâu xứ Việt.

Phẩm chất tinh thần tốt đẹp là sức hút với người xung quanh

Như vậy là đã rõ, việc ăn chè đậu đỏ trong ngày Lễ Thất tịch để thoát ế chỉ là một câu chuyện đùa với sự gán ghép khiên cưỡng khiến người ta nghe mà bật cười sảng khoái, mong rằng không nhằm đúng lúc ăn chè đậu đỏ. Dù là Lễ thất tịch hay Hồng đậu thì đều là những biểu tượng liên quan đến những câu chuyện tình dang dở, không chắc là thứ nhiều người tìm kiếm. Thiết nghĩ, tình trạng độc thân hay có đôi có cặp đều có mặt tích cực của nó, là điều chúng ta cần coi trọng. Thay vì sốt ruột và tìm đến những giải pháp thiếu cơ sở như ăn chè đậu đỏ vào Lễ Thất tịch, đi cắt duyên âm, hay cầu cúng ở đâu đó… hãy tự tạo cho mình một sức hút để được những người xung quanh yêu mến. Sức hút ban đầu có thể ở ngoại hình hay của cải, nhưng lâu dài lại nằm ở những phẩm chất tinh thần, là kết quả của sự tu dưỡng. Một người giàu tình thương, nhiều trí tuệ, lạc quan, chăm chỉ, biết cách ứng xử tinh tế… luôn được đánh giá cao bởi người xung quanh, và là niềm mơ ước của biết bao bạn khác giới chín chắn, trưởng thành. 

Chẳng phải ý nghĩa ban đầu của Lễ Thất tịch là nhằm ca ngợi những phẩm chất tinh thần tốt đẹp ấy hay sao? 

Nguyên Vũ

Đọc tiếp