Từ "Tây Du Ký" ngộ ra: Tôn Ngộ Không vì chuyện nhỏ mà gây ra đại họa

Từ "Tây Du Ký" ngộ ra: Tôn Ngộ Không vì chuyện nhỏ mà gây ra đại họa
Bồ Tát giữ Tôn Ngộ Không lại núi Lạc Già bốn ngày, không cho anh ta trở về. Có lẽ trong bốn ngày này, Bồ Tát cố ý dùng lời nói và hành động của mình để dạy Tôn Ngộ Không hiểu về lòng từ bi và nhân từ. (Ảnh: Public Domain)

Trương Triều thời nhà Thanh trong "U Mộng Ảnh" từng nói, "Tây Du Ký" là một cuốn "sách ngộ". Thoạt nhìn, nó kể về câu chuyện Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh gặp phải yêu ma quỷ quái, nhưng thực chất lại là diễn giải cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Mỗi nhân vật, mỗi kiếp nạn trong sách đều chứa đựng trí tuệ ứng xử. Đọc "Tây Du Ký", chúng ta mới hiểu: Người có cảnh giới cao, không nên khoe khoang bốn thứ này.

1. Khoe khoang của cải rước họa vào thân

Khi đoàn Đường Tăng đi qua Thiền viện Quan Âm, họ đã được Kim Trì trưởng lão trong chùa tiếp đón nồng hậu. Kim Trì trưởng lão thấy Đường Tăng có phong thái hơn người, lại đến từ Thượng quốc Thiên triều, cho rằng trên người ông nhất định có bảo vật quý hiếm.

Đường Tăng là người khiêm tốn, đừng nói là không có bảo bối gì, cho dù có thật cũng sẽ không lấy ra khoe khoang.

Nhưng Tôn Ngộ Không thì khác, hầu tử này không chỉ thích khoe khoang mà còn thích gây chuyện. Thấy Kim Trì trưởng lão tự cao tự đại, trong lòng không khỏi tức giận, bèn xúi Đường Tăng lấy ra chiếc áo cà sa cẩm thạch do Phật Tổ ban tặng.

Đường Tăng nghe xong, vội vàng lắc đầu nói: "Đồ đệ, đừng so đo giàu nghèo với người khác, ngươi ta là người độc thân ở bên ngoài, chỉ sợ có sai sót."

Đối với lời khuyên của Đường Tăng, Ngộ Không không để ý, cứ lấy áo cà sa ra khoe khoang trước mặt Kim Trì trưởng lão. Kết quả khiến Kim Trì trưởng lão nổi lòng tham, tìm mọi cách hãm hại người khác để cướp bảo vật, thậm chí còn dẫn Hắc Hùng Tinh đến, vô cớ gây ra nhiều phiền phức.

Trong sách "Tăng Quảng Hiền Văn" có câu: "Khách không rời hàng, của không để lộ." Câu này có nghĩa muốn nói rằng: Người buôn bán không nên rời khỏi hàng hóa của mình, cần phải luôn có mặt để trông coi, giới thiệu và bảo vệ chúng; Không nên phô trương tài sản của mình, tránh gây sự chú ý và lòng tham của người khác.

Khoe khoang của cải, ngoài việc khơi dậy sự đố kỵ của người khác thì chẳng có lợi ích gì. Phải biết rằng, sự giàu có thực sự trong nội tâm của một người không cần phải thể hiện qua sự khoe khoang.

Trong "Thế Thuyết Tân Ngữ" có ghi lại một câu chuyện như vậy.

Thạch Sùng thời Tây Tấn là một công tử ăn chơi, sở thích lớn nhất đời ông là "khoe khoang của cải". Có lần, Thạch Sùng và Vương Khải, cậu của vua, so tài giàu có. Vương Khải sai người hầu dùng nước đường rửa nồi rửa bát, Thạch Sùng sai gia nhân dùng sáp thay củi, nhóm lửa nấu cơm; Vương Khải dùng đá đỏ son trát tường, Thạch Sùng dùng hạt tiêu quý trát tường. ...

Thạch Sùng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, luôn áp đảo Vương Khải, nhưng dù ông đã giành chiến thắng trong cuộc "khoe mẽ" này, ông cũng bị những kẻ có ý đồ để mắt tới. Về sau, Triệu vương Tư Mã Luân nắm quyền triều đình, thân tín của ông là Tôn Tú thèm muốn tài sản của Thạch Sùng, bèn vu cáo Thạch Sùng mưu phản. Cuối cùng, cả nhà Thạch Sùng bị giết sạch, tài sản cũng bị Tôn Tú cướp mất, rơi vào kết cục bi thảm "người và của đều mất trắng".

Có người từng nói: "Sự ngu dốt kết hợp với sự giàu có càng làm giảm giá trị của một người."

Vì thỏa mãn hư vinh nhất thời mà khoe khoang sự giàu có tự cho là đúng, đó là sự ngu dốt lớn nhất. Khoe khoang của cải, không nhận được sự tôn trọng chân thành từ người khác, chỉ có thể bộc lộ sự nghèo nàn về tinh thần của một người.

2. Khoe khoang khả năng sẽ rước họa vào thân

Tôn Ngộ Không từ khi bái Sư Bồ Đề Tổ, bắt đầu siêng năng học tập. Chẳng mấy chốc, hắn đã học được phép Cân Đẩu Vân và 72 phép biến hóa.

Một lần, Tôn Ngộ Không đang tự mình luyện tập, các sư huynh đệ tới xúi giục hắn biểu diễn thần thông trước mặt mọi người. Ngộ Không vốn là kẻ thích làm trò, bị các sư huynh đệ xúi giục, liền bay lượn, biến hóa muôn hình vạn trạng trước mặt mọi người.

Bồ Đề Tổ sư biết chuyện, quở trách hắn rằng: "Ngươi khoe khoang cái gì? Nếu ngươi thấy người khác có, chẳng lẽ không cầu xin họ? Người khác thấy ngươi có, tất nhiên sẽ cầu xin ngươi. Nếu ngươi sợ họa mà lại truyền cho họ, nếu không truyền, tất nhiên sẽ bị hãm hại, tính mạng ngươi cũng không thể giữ được."

Đối mặt với sự trách mắng của sư phụ, Ngộ Không tuy liên tục xin lỗi nhưng vẫn không chừa thói xấu. Về sau khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không khoe khoang thần thông trước mặt Như Lai, không ngờ núi cao còn có núi cao hơn, cuối cùng tự hại mình, bị đè dưới Ngũ Hành Sơn.

Trong sách "Thái Căn Đàm" có câu: "Chim ưng đứng như ngủ, hổ đi như bệnh, đó chính là thủ đoạn bắt người ăn thịt người của chúng. Vì vậy, người quân tử phải thông minh không để lộ, tài năng không khoe khoang, mới có sức mạnh gánh vác việc lớn."

Người thực sự mạnh mẽ, không bao giờ phô trương, họ chỉ âm thầm tích lũy sức mạnh. Một người dù có ưu tú đến đâu, cũng phải biết xem thời thế, khiêm tốn kín đáo.

Thời Chiến Quốc, Tần Vũ Vương, vua nước Tần, có sức mạnh tuyệt vời, hoài bão lớn, là một nhân vật văn võ song toàn. Dưới sự cai trị của ông, nước Tần liên kết với nước Tấn để chế ngự nước Sở, tấn công nước Hàn và bình định nước Thục, quốc lực được nâng cao đáng kể. Nhưng chính vị minh quân này, lại vì khoe khoang năng lực mà mất mạng.

Một lần, Tần Vũ Vương cùng thuộc hạ Mạnh Thuyết thi nhau nâng đỉnh tại cung vua nhà Chu ở Lạc Dương. Vì muốn thể hiện sức mạnh của mình, Tần Vũ Vương không nghe lời can ngăn, bất chấp khả năng chịu đựng của bản thân mà mạo hiểm nâng đỉnh, kết quả bị chảy máu mắt, gãy xương ống chân, đến tối thì tắt thở. Năm đó, ông mới 23 tuổi, đang là độ tuổi sung sức để thực hiện hoài bão.

Trong "Kinh Dịch" có câu: "Quân tử cất giấu tài năng trong mình, chờ thời cơ mà hành động."

Năng lực xuất chúng tuy đáng tự hào, nhưng nếu không kiềm chế mà khoe khoang trước mặt người khác, sẽ chiêu mời tai họa không đáng có.

Không vạch trần khuyết điểm của người khác, không khoe khoang ưu điểm của bản thân. Khi bạn bắt đầu khoe khoang năng lực trước mặt người khác, cũng chính là lúc nhân phẩm của bạn bị giảm giá trị.

3. Ai thông minh?

Nếu nói trong đoàn đi thỉnh kinh ai thông minh nhất, thì đó chính là Sa Ngộ Tịnh. Sa Ngộ Tịnh cho chúng ta ấn tượng là người thật thà, chất phác, nhưng thực tế, hắn rất khéo léo và hiểu biết về cách ứng xử. Chỉ là hắn hiểu được đạo lý giấu tài, không bao giờ khoe khoang sự thông minh của mình trước mặt người khác. Trên đường đi thỉnh kinh, chỉ khi đến thời khắc quan trọng, hắn mới đứng ra nói chuyện.

Trong hồi "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", trong quá trình Đường Tăng trừng phạt Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tịnh không nói nửa lời cầu xin, khi Tôn Ngộ Không bị đuổi đi, hắn cũng không nói một lời níu kéo. Suốt quá trình, hắn giữ thái độ không liên quan đến mình, thờ ơ.

Sau đó, khi giao đấu với Hoàng Bào Quái, Sa Ngộ Tịnh bị bắt, Trư Bát Giới bất đắc dĩ, đành phải mặt dày mày dạn mời Tôn Ngộ Không tới.

Khi Tôn Ngộ Không trách móc Sa Ngộ Tịnh "vì sao không cầu xin cho mình", Sa Ngộ Tịnh không giải thích nhiều, hắn chỉ thản nhiên nói sáu chữ: "Quân tử không nhắc lại lỗi lầm của quá khứ."

Chỉ một câu nói ngắn gọn, vừa tặng cho Tôn Ngộ Không một chiếc mũ cao, vừa thể hiện sự hối lỗi của bản thân, nhờ đó, mâu thuẫn giữa hai người đã được giải quyết.

Chính vì Sa Ngộ Tịnh có trí tuệ cảm xúc cao, lại không thích khoe khoang, nên rất được Đường Tăng yêu mến và tin tưởng.

Trong "Thái Căn Đàm" có câu: "Giấu khéo léo trong sự vụng về, dùng sự mờ ám để làm sáng tỏ, gửi gắm sự thanh khiết trong sự đục ngầu, lấy sự uốn mình để vươn lên."

Người càng thông minh, càng biết cách che giấu trí tuệ và tài năng, nếu một người luôn thể hiện sự thông minh ra bên ngoài, cuối cùng sẽ không làm nên trò trống gì.

Đúng như câu nói, trí tuệ lớn thì như ngu ngốc, tài năng lớn thì như vụng về. Người thực sự thông minh, thường là những người biết giả ngốc vào đúng thời điểm.

4. Thành công lui về

Khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, mười vạn thiên binh không thể bắt giữ hắn. Sau đó, Quan Âm Bồ Tát tiến cử Nhị Lang Thần với Ngọc Hoàng.

Nhị Lang Thần không phụ lòng mong đợi, với sự giúp đỡ của Thái Thượng Lão Quân, đã thành công bắt giữ Tôn Ngộ Không. Nhờ vậy, ông được Ngọc Hoàng sủng ái. Khi Ngọc Hoàng ban chiếu biểu dương công trạng của ông, Nhị Lang Thần lại tỏ ra rất tỉnh táo. Ông không hề kiêu ngạo, mà còn quy công cho Quan Âm Bồ Tát, Thái Thượng Lão Quân và những người khác. Phần thưởng nhận được, ông cũng chia sẻ cho thuộc hạ của mình. Sau khi hành lễ với Ngọc Hoàng xong, ông lại trở về ẩn cư ở cửa sông Quán Giang.

Tăng Quốc Phiên nói: "Có khó khăn trước hết tự mình gánh vác, có công lao trước hết để người khác hưởng, đây là nền tảng của sự nghiệp."

Có công lao phải biết chia sẻ, có khó khăn phải đi đầu giải quyết.

Người có tầng thứ càng thấp, càng giữ chặt lấy chút lợi ích của mình; còn người có tầng thứ cao, càng sẵn lòng thông qua cống hiến và chia sẻ, kết quả lại nhận được lợi ích lớn hơn.

Trong "Đạo Đức Kinh" có câu: "Sinh nhi bất hữu, công thành nhi bất cư."- Sinh ra mà không chiếm hữu, công thành mà không ở lại.

Cống hiến mà không tự khoe khoang, có công lao mà không tự mãn, đó mới là phẩm chất một người nên có.

Công lao cái thế, không bằng một chữ "kiêu"; trí tuệ tuyệt trần, không ngoài một chữ "giấu". Có thành tựu mà không khoe khoang, có công lao mà sẵn lòng chia sẻ, người như vậy, nhất định con đường phía trước rộng mở!

Quỷ Cốc Tử có câu: "Đạo của bậc thánh nhân, ở chỗ ẩn và giấu."

Bồ Đề Tổ Sư cũng từng khuyên Ngộ Không rằng: "Thành danh mỗi tại cùng khổ nhật, bại sự đa vu đắc ý thời."- Thành công thường đến vào những ngày gian khó, thất bại thường xảy ra khi đắc ý.

Sống trên đời, hư vinh là cái ác rõ ràng, khiêm tốn là cái thiện ẩn giấu. Khoe khoang quá mức, chỉ là biểu hiện của sự trống rỗng, duy có giấu mà không lộ, mới có thể lâu dài.

Theo Secretchina
Minh Nguyệt

Đọc tiếp