Tục ngữ "Người có phúc không tất bật, người vô phúc chạy đứt ruột gan" chứa đựng ý nghĩa sâu xa
Câu nói này của ông cha ta thường được mọi người hiểu là: người có phúc khí không cần phải bận rộn cả ngày, vận may sẽ tự nhiên đến với họ; còn người không có phúc khí, dù có chạy gãy cả chân cũng không thể thay đổi được số phận. Thực ra đây là một cách hiểu khá nông cạn. Vậy ông cha ta thực sự muốn khuyên nhủ chúng ta điều gì?
Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại không thiếu những ví dụ về “trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi”, câu chuyện điển hình nhất có lẽ là câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” được ghi lại trong sách “Hoài Nam Tử”.
Tái Ông là một người có trí tuệ lớn, ông đã nhìn thấu sự biến đổi không ngừng của phúc họa. Khi nhà ông bị mất ngựa, mọi người đều an ủi ông, nhưng ông lại nói: "Sao chuyện này lại không thể là một điều tốt?" Quả nhiên, con ngựa đó đã mang theo con ngựa con sinh ra ở bên ngoài chạy về; mọi người đều cảm thấy Tái Ông đã có lợi, nhưng ông lại nói rằng điều này có thể biến thành chuyện xấu, kết quả không lâu sau, con trai ông bị ngã ngựa và trở thành người què. Mọi người lại đến an ủi Tái Ông, nhưng Tái Ông tin chắc rằng: "Trong cái rủi có cái may, trong cái may có cái rủi", điều tốt, điều xấu trong những điều kiện nhất định cũng có thể chuyển hóa. Kết quả là sau đó, người Hồ xâm lược, triều đình tuyển quân, con trai ông vì tàn tật nên không thể tham chiến, bảo toàn được tính mạng.
Tái Ông là điển hình của "người có phúc", bởi vì ông có một tâm hồn bình thản, có thể bình tĩnh đối mặt với mọi việc, không bị choáng ngợp bởi những được mất nhất thời.
Thực ra, nhiều điều trong cuộc sống đã được định sẵn một cách bí ẩn, vì vậy may rủi của một việc thường không thể phán đoán chỉ qua vẻ bề ngoài. Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, đừng quá đắc ý khi gặp chuyện thuận lợi, cũng đừng quá nản lòng khi gặp thất bại, hãy bình thản đối mặt.
Mặt khác, người xưa cũng tin rằng, làm việc thiện và tích đức có thể thay đổi vận mệnh. Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại có rất nhiều ví dụ về việc học hành chăm chỉ và đỗ đạt cao, ở đây không cần phải nói nhiều; hãy cùng xem xét nhân vật "có phúc" điển hình nhất trong "Hồng Lâu Mộng" - Lưu lão lão, đã tích lũy vận may và cười đến cuối cùng như thế nào.
Theo quan điểm của mọi người trong gia tộc họ Giả, Lưu Lão Lão chỉ là một "trò cười". Là một người nhà quê, lần đầu tiên bà gặp tổ mẫu của nhà họ Giả, bà đã nói: "Chúng tôi sinh ra là để chịu khổ, còn lão phu nhân sinh ra là để hưởng phúc." Tuy nhiên, ở nhà bà không nói như vậy, bà thường nói: "Mưu sự tại nhân." Thấy con rể nhút nhát, không dám đến nhà họ Giả giàu có để cầu xin giúp đỡ, bà đã tự mình đứng ra đi.
Bỏ qua sự ngại ngùng, mặc dù bà Lưu bị nhiều trò cười trong phủ họ Giả, bà cũng nhận được không ít lợi ích. Vài trăm lạng bạc, lụa là gấm vóc đối với nhà họ Giả không là gì, nhưng bà Lưu lại dựa vào những thứ này để thay đổi hoàn cảnh khó khăn của gia đình, sống những ngày tháng tốt đẹp hơn, sau này còn ra tay cứu giúp tiểu thư Tiếu Tỷ của nhà họ Giả khi sa cơ thất thế. Nếu bà Lưu không đến đó vài lần, liệu bà có thể đổi vận được không? Bà Lưu mới thực sự là người có phúc.
Câu nói của các bậc tiền nhân “Người có phúc không tất bận, người vô phúc chạy đứt ruột gan” quả thực chứa đựng ý nghĩa sâu xa. Người thực sự có phúc khí sẽ có một tâm thái bình thản, biết tích đức hành thiện, vì vậy họ gặp bất cứ chuyện gì cũng không cuống cuồng, vội vàng, có thể lý trí, thản nhiên nhìn nhận họa phúc.
Còn những người không có phúc, sẽ coi trọng được mất rất nặng nề, không thể chịu thiệt một chút nào, gặp phải chuyện thì nóng nảy, mất lý trí, rơi vào bi quan tột cùng. Như vậy là nhất định không thể giữ được tâm bình thường, nên họ thường nóng vội, hấp tấp, nhưng rất khó đạt được thành tựu.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt