Tuổi già hạnh phúc hay không? Hoàn toàn phụ thuộc vào một quyết định ‘then chốt’ này
Người ta đều nói nuôi con cái để được trông cậy khi về già, tuy nhiên nửa đời sau của một người có viên mãn và hạnh phúc bên con cháu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định “then chốt” này…
Nhiều cặp vợ chồng già ở quê, thời trẻ sinh "con đàn cháu đống" với mong nguyện về già sống trong cảnh an nhàn, hạnh phúc và yên vui bên đàn con cháu. Thân là cha mẹ, ai cũng đều mong con cái học hành giỏi giang, như vậy mới có tiền đồ tươi sáng, bản thân khi về già được nương nhờ con cái mà tận hưởng năm tháng tuổi già. Tuy nhiên, cha mẹ khi về già có được hưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên con cháu hay không, điều này được quyết định bởi một điểm rất then chốt.
Câu chuyện 1: Đoạn cuối cuộc đời đối lập của hai người bạn
Ông Thành và ông Phúc là người cùng làng, cũng chơi thân với nhau.
Gia cảnh ông Thành khá giả, mấy đứa con của ông từ bé đã thông minh chăm học, trong khi các con của ông Phúc thành tích học hành lại khá kém.
Từ trước đến nay, ông Phúc luôn cảm thấy mình thua kém ông Thành về mọi mặt, thường hay than rằng sau này hậu vận của ông Thành nhất định sẽ tốt hơn mình. Ông Thành dù luôn khiêm tốn, nhưng thâm tâm cũng tin chắc rằng các con của mình sẽ có tương lai sáng sủa hơn con cái nhà ông Phúc, về già ông chắc chắn sẽ có cuộc sống tốt hơn ông Phúc.
Trong chớp mắt, những đứa trẻ của gia đình ông Thành đều đã khôn lớn, các con ông muốn vì quá xuất sắc nên đều muốn làm việc ở các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài phát triển, trong khi những đứa trẻ của gia đình ông Phúc thì ở lại quê nhà làm những công việc bình thường nhất.
Khi ông Thành và ông Phúc tuổi tác ngày một già đi, sức khỏe ngày càng sa sút. Các con của ông Thành vì tiền đồ tươi sáng đều làm việc xa quê, hơn nữa công việc lại bận rộn và áp lực. Vì vậy, sau khi ông Thành lâm bệnh, luôn phải một mình đến bệnh viện để khám. Vì tuổi đã lớn, nên ông không cũng rất lúng túng với các quy trình thủ tục của bệnh viện. Nhiều lúc ông tỏ ra bối rối, không còn lựa chọn nào khác phải tìm người giúp đỡ.
Có lần phải làm phẫu thuật, đến cả người ký giấy xác nhận cũng không có. Rất nhiều đêm ông Thành đều phải sống trong sợ hãi, sợ rằng bản thân ông phải chết một mình trong cô độc. Dù các con đều có sự nghiệp rạng rỡ, nhưng ông Thành giờ đây chỉ cảm thấy mình như một ông già cô độc không con không cháu, sống lủi thủi một mình, năm tháng tuổi già của ông thật quá thê lương.
Con cái nhà ông Phúc dù học kém, sau khi lớn lên ở lại quê nhà làm những công việc bình thường, nhưng các con hoặc là sống cùng bố mẹ, hoặc cũng ở gần bố mẹ, nếu ông Phúc có vấn đề gì về sức khỏe, thì các con đều sẽ đến thăm hỏi, quan tâm ông ngay lập tức. Mỗi khi đến bệnh viện, các con ông đều bận rộn tới lui, dù có nhập viện thì các con cũng thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh.
Giờ đây khi so với ông Thành, ông Phúc cảm thấy mặc dù con cái của mình không thành đạt như những người khác, nhưng ông sau khi về già đã thực sự nhận ra niềm hạnh phúc được nhờ cậy con cái lúc tuổi già. Ông cảm thấy cuộc sống ngày càng hạnh phúc, con người ông cũng ngày càng trở nên năng động hơn.
Câu chuyện 2: Căn nhà rộng thiếu hơi ấm
Cũng một trường hợp khác ở xóm tôi là vợ chồng ông Tuấn và bà Xuân. Vợ chồng ông bà có hết thảy bốn người con (ba trai, một gái). Các con đều đã trưởng thành, yên bề gia thất và đang lập nghiệp làm ăn xa tận thành phố lớn trong nam. Có đứa mở văn phòng, thành lập công ty riêng để kinh doanh, công việc phát triển, làm ăn khấm khá.
Đứa con gái duy nhất của bà đi lao động, làm việc ở nước ngoài rồi "may mắn" lấy chồng giàu có, lập nghiệp, sinh con đẻ cái và định cư ở nước ngoài luôn.
Bà Xuân tâm sự, cứ cách đôi ba tháng là các con bà từ trong nam hay ở nước ngoài lại chuyển hàng chục triệu đồng vào tài khoản. Bà bảo tuổi già tiêu xài nào có bao nhiêu, chỉ khoản tiền lương hưu của ông bà hằng tháng cũng đủ cho hai ông bà già chi tiêu ở quê. Các khoản tiền con cái gửi cho ông bà cứ để dành đó phòng khi ốm đau hoặc cho con cháu sau này.
Nói về ngôi biệt thự nhỏ ba tầng hai vợ chồng già đang ở, bà kể ông bà xây dựng từ tiền bán đất với mục đích là để cho con cháu sau này về ở, thế nhưng "người tính không bằng trời tính", mấy đứa con đều lập nghiệp ở xa hết, không ai chịu về quê.
Ngày tết, có năm có đứa về, có đứa không. Có năm tết cả mấy anh em nó đều không về vì nhiều lý do bận kinh doanh, làm ăn, vé tàu xe đắt đỏ. Do đó mấy người con chỉ gửi tiền gửi quà về quê để biếu ông bà kèm theo lời chúc phúc của con cháu.
Mấy năm trước, mỗi lần nhớ con nhớ cháu ông bà lại "thay phiên" nhau lọ mọ ra bến xe lên xe khách quen để vào nam thăm con cháu. Mấy năm nay sức khỏe đã già yếu, không thể đi xa được nữa.
Ánh mắt già nua chất chứa nhiều nỗi niềm, lo lắng, bà Xuân tâm sự rằng: “Bà chỉ sợ tuổi già sống trong cô quạnh, đêm hôm lỡ xảy ra chuyện gì hay đau ốm trắc trở không có con cháu gần bên cạnh. Bà chỉ cầu mong trời đất phù hộ độ trì cho sự bình an của tuổi già... cô quạnh của mình và ông nhà. Còn nếu trời có gọi về thì xin được vợ chồng ra đi cùng lúc, nhẹ nhàng chứ đừng bắt ốm đau, nằm đó, tội con cháu...".
Bà Lài nói rồi, mắt nhìn xa xăm, buồn hiu! Tôi hiểu nỗi lòng của người mẹ từ ánh mắt buồn hiu ấy.
***
Cuộc sống này thường có một thực tế, rằng nhiều ông bố bà mẹ khi còn trẻ thường nghĩ rằng con cái có tiền đồ sáng sủa, về già sẽ có chỗ nương tựa. Một thực tế khác chính là nhiều cặp vợ chồng già ở quê, thời trẻ sinh "con đàn cháu đống" tưởng đâu về già sống trong cảnh an nhàn, hạnh phúc và yên vui bên đàn con cháu.
Tuy nhiên, chỉ khi về già, họ mới nhận ra rằng chính điều thực sự quyết định tuổi xế chiều có hạnh phúc hay không kỳ thực chính là việc các con có chọn ở cùng hoặc ở gần mình hay không. Xã hội thời nay không thiếu những hoàn cảnh, nhiều đôi vợ chồng khi già yếu, ốm đau phải sống trong cảnh hiu quạnh, cô độc, không có người trông nom, chăm sóc. Bởi con cháu họ đi làm ăn xa hoặc lập nghiệp ở tận thành phố hay ra nước ngoài làm việc rồi kết hôn, sinh sống luôn ở nước ngoài.
Có người những dịp lễ tết hay vài ba năm mới về thăm nhà, thăm quê. Thậm chí vì nhiều lý do khác nhau, có người con hơn chục năm chưa về thăm cha mẹ già nơi quê nhà đang mòn mỏi đợi trông.
Bên cạnh đó, có nhiều người con khi xa nhà, xa gia đình, xa quê hương thường có quan niệm và cho rằng, nếu không có điều kiện ở với cha mẹ hoặc không thường xuyên về thăm nhà, thăm cha mẹ thì có thể báo hiếu bằng cách hằng tháng gửi quà, gửi tiền về quê nhà cho ông bà, cha mẹ già. Đó cũng là cách sẻ chia, báo hiếu, làm tròn bổn phận, trách nhiệm để cho cha mẹ được đủ đầy. Thế nhưng có mấy ai biết và hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, nhất là của những người già khi họ đã xế bóng, "gần đất xa trời".
Thực tế, tuổi già, ngoài nhìn con cháu trưởng thành, thành đạt và hạnh phúc, người già luôn cần con cháu bên cạnh. Họ cần một không khí gia đình đúng nghĩa hơn là tiền bạc được gửi đều đặn hằng tháng.
Đó là niềm vui, là hạnh phúc, là sợi dây gắn kết tình thâm và sự quan tâm, sẻ chia lúc tuổi già, lúc ốm đau bệnh tật. Mong sao những người con đi làm ăn xa hãy về quê thăm người thân, cha mẹ thường xuyên hơn khi có cơ hội. Đừng để khi cha mẹ ra đi rồi, lúc đó ta lại phải khóc than trong lòng bởi có muốn về thăm thì cũng đã muộn!
Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch và tổng hợp