Tương lai của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng hạn hẹp

Tương lai của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc  ngày càng hạn hẹp
Tương lai của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng hạn hẹp. (Ảnh công cộng)

Những quy định thất thường và sự cạnh tranh gay gắt hơn đang làm cho cuộc sống trở nên khó khăn

Hãy nhớ lại những ngày các công ty yêu cầu các nhà cung cấp của họ đưa ra "Giá (tại)Trung Quốc". Việc có được một mức giá như vậy trở thành một yêu cầu cạnh tranh bắt buộc vì trên thực tế, đó là một tiêu chuẩn thực sự để đặt hàng.

Vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến ​​sự thay đổi đáng kể. Từ những ngày mà việc cạnh tranh phải có câu trả lời cho câu hỏi "Giá của bạn tại Trung Quốc là bao nhiêu?" đã thúc đẩy các công ty nước ngoài vào Trung Quốc cho đến chiến lược "Trung Quốc cộng một" (Trung Quốc +1) gần đây hơn.

Cách tiếp cận chiến lược mới này đóng vai trò là phản ứng trước những yếu điểm của việc chỉ cung cấp một nguồn hàng từ Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, và trước mối quan hệ vô cùng căng thẳng đã phát triển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với các đồng minh.

“Trung Quốc +1” hướng đến mục tiêu là các công ty đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc như là cơ sở cung ứng của họ khi phục vụ thị trường nước ngoài, đồng thời vẫn duy trì sự hiện diện tại Trung Quốc để khai thác thị trường lớn của mình và đóng vai trò là cơ sở để tiếp thu thông tin trong các lĩnh vực mà Trung Quốc hiện đang hoạt động như một thị trường dẫn đầu. Một chiến lược "Trung Quốc vì Trung Quốc" hạn chế hơn có các hoạt động tập trung hoàn toàn vào thị trường địa phương.

Nhưng liệu có thực tế khi cho rằng Trung Quốc trong những chiến lược đó có tương lai bền vững hay không?

Mùa thu năm ngoái, các công ty Mỹ và châu Âu đã báo cáo triển vọng tiêu cực nhất của họ trong nhiều thập kỷ liên quan đến hoạt động tại Trung Quốc. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã liệt kê hơn 1.000 hành động cần thiết để giải quyết các rào cản thị trường. 

Các công ty ngày càng phải đối mặt với thách thức từ sự tùy hứng mà các quy định và hạn chế an ninh mới đang được đưa ra, một số trong đó cản trở các hoạt động thương mại tiêu chuẩn về mặt thu thập và chia sẻ thông tin thị trường. Ngoài ra còn có nguy cơ sản phẩm bị loại khỏi các phân khúc khách hàng, như trong các trường hợp gần đây của Apple và Micron.

Thị trường lớn nhưng năng động và sáng tạo cao ở Trung Quốc đang chứng minh là một nơi ngày càng cạnh tranh và đầy thách thức đối với các công ty nước ngoài hoạt động, ngay cả đối với các công ty từ các nền kinh tế Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã đầu tư lâu dài vào Trung Quốc.

Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây, trong khi các nhà đầu tư Đài Loan ngày càng rời xa Trung Quốc và hướng tới đầu tư vào Đông Nam Á.

Điều này một phần là do sự xuất hiện của những công ty Trung Quốc đáng gờm được hưởng lợi từ các lợi thế địa phương, bao gồm cả sự hỗ trợ công khai và âm thầm của nhà nước, giúp họ có lợi thế so với các đối thủ nước ngoài. 

Khi Trung Quốc tiến lên chuỗi giá trị và hưởng lợi từ lợi thế đi đầu trong công nghệ xanh, thì có ít lĩnh vực hơn mà sự thống trị của các công ty nước ngoài không bị thách thức.

Các quan chức Trung Quốc từ Ông Tập Cận Bình trở xuống đều có niềm tin mạnh mẽ rằng các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện chính sách ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc. Quan điểm này đã củng cố việc theo đuổi mạnh mẽ chiến lược "lưu thông kép" nhằm mục đích khiến Trung Quốc ít phụ thuộc nhất có thể vào các nguồn lực và công nghệ nước ngoài.

Ngay cả trong các lĩnh vực như thiết bị sản xuất chip, vốn dĩ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài và hiện đang tiếp tục phải đối mặt với các hạn chế. Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng, với các nguồn cung trong nước mang lại mức tăng trưởng ấn tượng về thị phần. Và mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá xa để đạt được khả năng tự cung tự cấp trong các thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất, Trung Quốc đã chứng minh trong nhiều thập kỷ qua họ là một quốc gia cần cù tiếp thu kiến ​​thức và học hỏi rất nhanh.

Tóm lại, ngay cả ở những khu vực mà các công ty nước ngoài vẫn giữ được lợi thế, và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đuổi theo sau, có thể các công ty trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục được chào đón tại Trung Quốc, nhưng cơ hội trên thị trường của họ có thể sẽ không kéo dài.

Ngay cả đối với các công ty như Apple và Volkswagen đã đạt được thành công đáng kể tại Trung Quốc, môi trường cạnh tranh, quy định và công nghệ thay đổi nhanh chóng cho thấy sự dễ bị tổn thương ngày càng tăng trong tương lai. Thay vì phân bổ thêm vốn và nguồn lực cho thị trường đó với hy vọng đạt được hoặc duy trì vị thế thị trường trong dài hạn, thì họ lại chọn giải pháp tối đa hóa lợi nhuận từ các cam kết hiện tại, như một chiến lược ít rủi ro hơn. 

Tổng giám đốc điều hành của Goldman Sachs, David Solomon gần đây đã nói rằng chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá đối với Trung Quốc không còn hợp lý đối với công ty của ông nữa, công ty ông đã cắt giảm hoạt động tại đó.

Nhưng nhiều công ty nước ngoài vẫn còn sự cam kết với Trung Quốc, vì hiện tại đây là thị trường dẫn đầu trong ngày càng nhiều lĩnh vực và chắc chắn sẽ còn hơn thế nữa trong tương lai. Nên có mặt ở đó là điều hiển nhiên về mặt thông tin và thu thập kiến ​​thức, cũng như cơ hội học hỏi. 

Mặc dù vậy, môi trường pháp lý và an ninh đang thay đổi ở Trung Quốc cho thấy rằng các hoạt động thương mại bình thường như vậy có nguy cơ bị coi là trái với lợi ích an ninh của Trung Quốc, do đó làm suy yếu các lợi ích tiềm năng khi hoạt động ở đó.

Tổng giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã nhấn mạnh tại Davos vào tháng 1 rằng “ “phương trình rủi ro-phần thưởng” ( phương trình xác định mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận tiềm ẩn cho bất kỳ giao dịch nào) đã thay đổi đáng kể đối với Trung Quốc. Tất cả các điềm báo cho thấy rằng mọi tính toán sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai gần.

Với ngày càng ít trường hợp ngoại lệ, tương lai của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên hạn hẹp.

(Bài viết của Louis Brennan là giáo sư nghiên cứu kinh doanh tại Trường Kinh doanh Trinity ở Ireland, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Wong MNC và đại diện Ireland tại Mạng lưới nghiên cứu Trung Quốc tại Châu Âu)

Theo Nikkei Asia
Bảo Thư biên dịch