Vì sao chuyện cụ Trump và cụ Biden thi thố lại liên quan đến bạn?

Vì sao chuyện cụ Trump và cụ Biden thi thố lại liên quan đến bạn?
Vì sao chuyện cụ Trump và cụ Biden thi thố lại liên quan đến bạn? (Ảnh: stockbiz)

Mến chào các bạn học sinh cuối cấp! Các bạn vừa trải qua tháng 6 - tháng của những kỳ thi, cũng là tháng của những vui buồn học đường và những nỗi lo thi cử. Người lo nhất chính là học sinh cuối cấp các bạn, như lớp 9 phải tham dự kỳ thi vào lớp 10, hoặc lớp 12 phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học, rồi xét tuyển vào đại học. Khoảng thời gian này, người người căng thẳng, nhà nhà băn khoăn. Ngoài phòng thi - phụ huynh lo âu, trong phòng thi - thí sinh hồi hộp. Thi xong có nhiều người vui thì cũng lắm kẻ buồn.

Khoảng thời gian chờ đợi kết quả đối với người làm bài thuận lợi là vui sướng xả hơi, đối với người thi cử trắc trở là lo âu thấp thỏm. Và đến lúc báo điểm, là sự vỡ òa mọi cảm xúc. Người đỗ cao thì nhảy tưng tưng, mặt sáng bừng, miệng hét vang lừng, khoe khoang rối rít; người trượt thì khuôn mặt rầu rĩ, trong lòng nặng trĩu hoặc có khi bưng mặt khóc, có bạn còn oán thán cha mẹ hoặc cuộc đời bất công. Chẳng trách, năm xưa nhà thơ Trần Tế Xương từng viết:

Bụng buồn còn muốn nói năng chi,

Đệ nhất buồn là cái hỏng thi!

Một việc văn chương thôi cũng nhảm,

Trăm năm thân thế có ra gì?

Người thi hỏng có khi vẫn phải gượng cười, nhưng cười đau khổ, như người xưa từng ví von:

“Khóc như thiếu nữ vu quy

Cười như anh khóa hỏng thi về làng”

Cảnh vui buồn thi cử, hầu như ai cũng ít nhất từng trải một lần trong đời. Xin chúc mừng các bạn có kết quả thi tốt, xong với những bạn còn lại, xin chớ nghĩ rằng, cuộc thi này đã quyết định số phận bạn, bởi cuộc đời sẽ còn nhiều cuộc thi khác để bạn tỏa sáng. Miễn là bạn không ngừng nuôi dưỡng ý chí và bồi đắp tri thức của mình, những cơ hội sẽ mở ra với bạn. Đây mới chỉ là khởi đầu mà thôi, và hãy xem những người già lứa tuổi U80 như tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump đã phải thi như thế nào, có lẽ bạn sẽ có được thêm nhiều kinh nghiệm và an ủi.

Bầu cử Mỹ năm 2024 - kỳ thi cam go của hai ông lão

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 là cuộc thi đua chính trị của đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây có lẽ là cuộc thi quan trọng cuối cùng trong đời của hai nhân vật này vì họ đã có một nhiệm kỳ làm tổng thống và quan trọng hơn là họ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm: cụ Joe Biden đã 82 tuổi, và cụ Donald Trump đã 78 tuổi.

Các bạn học sinh thân mến, nếu có tâm lý e ngại thi cử, hãy biết rằng, có người vào tuổi ông nội hoặc ông ngoại của bạn vẫn còn phải đi thi. Trong khi các bạn chỉ phải đối diện với một ban giám thị, rồi một ban giám khảo bao gồm vài vị, thì hai cụ này phải đứng trước một ban giám thị, ban giám khảo gồm hơn 300 triệu người dân Mỹ và cả tỷ người dân hoàn cầu đang theo dõi họ qua truyền hình, báo chí. Trong khi các bạn chỉ đối diện với giấy trắng mực đen; thì hai cụ này phải tranh biện trực tiếp, phải đấu trí căng thẳng; trong khi bài thi của các bạn lấy từ kiến thức trong sách giáo khoa, thì hai cụ phải thi thố về sự hiểu biết cách thức vận hành một quốc gia, mà hiện chưa có một giáo trình nào bao trọn được, nhất là khi quốc gia ấy lại to lớn và quan trọng đối với nhân loại như Hoa Kỳ. Hẳn là một kỳ thi đặc biệt phức tạp phải không?

Và trong khi cái giá của cuộc thi các bạn là những giờ cặm cụi đèn sách, thì cuộc thi của hai cụ này là màn đấu suốt năm về trí tuệ, tiền bạc, phong độ, sức khỏe, khả năng thuyết phục cử tri… và cả nghị lực để vượt qua những trở ngại khó lường trong đời sống phức tạp này.

Chẳng hạn như vụ kiện “tiền bịt miệng” mà cụ Donald Trump đang phải vượt qua. Một mối quan hệ ngoài hôn nhân của cụ Trump đã dẫn đến một khoản chi bất minh. Khoản chi này của cụ sau đó đã bị khai thác, bị hình sự hóa, bị “nói lời ràng buộc” bởi một phiên tòa không thể gọi là công bằng và minh bạch. Có lẽ có một số người muốn cụ Trump gặp rắc rối, làm mất thời gian vận động tranh cử của cụ, tấn công uy tín cá nhân của cụ, đả kích tinh thần và tiêu hao tài chính của cụ, thậm chí còn có tham vọng tống cụ vào tù… với mục đích chính là để cụ thất cử. Cụ Donald Trump liệu có thể vượt qua được không? Đây là bài thi về tinh thần kiên định. Nó chắc hẳn gian nan hơn so với bài thi văn, thi toán phải không?

Đã đành rằng người ta cố tình làm khó cho cụ, nhưng cũng một phần vì cụ chưa gương mẫu trong các mối quan hệ nam nữ. Không có lửa làm sao có khói, có lẽ cụ đã trượt bài thi về lòng chung thủy từ gần 20 năm trước rồi. Đó không phải là bài học cho mỗi chúng ta hay sao?

Còn cụ Joe Biden thì sao? Trong khi cụ đang thi cử thì cùng lúc quý tử Hunter Biden của cụ cũng phải đáo tụng đình. Hunter Biden đã bị bồi thẩm đoàn kết luận "khai man mẫu kiểm tra lý lịch liên bang và sở hữu súng khi nghiện ma túy hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp". Ông này đã mắc nhiều tai tiếng từ vài năm trước, khi mà chiếc máy tính cá nhân của ông vô tình bị thất lạc, dẫn đến sự bại lộ những bằng chứng về một đời sống bê tha trác táng, nghiện ngập, loạn luân và có thể là còn có sự liên đới với những vụ tham nhũng chính trị kinh khủng… mà thế cũng chưa hết.

Cụ Joe Biden đang phải thi đấu trong điều kiện gia cảnh bối rối vì những điều lấm lem. Nếu phản tỉnh, cụ Biden không thể không có phần ân hận về trách nhiệm cá nhân mình trong việc nuôi dạy người con trai, và trách nhiệm cầm cân nảy mực trong gia đình suốt chừng ấy năm. Chắc hẳn tinh thần của cụ không thể tránh được bị đả kích. Đây cũng là bài thi về tinh thần kiên định của cụ Biden, mặc dù nó không trực tiếp đe dọa và nguy hiểm như với trường hợp của cụ Trump. 

Với tình trạng ấy, hai cụ đã bước vào màn thi đấu tranh biện đầu tiên vào ngày 27/6/2024. 

Cụ Biden thi trượt vòng đầu, nước Mỹ dậy sóng

Các thí sinh học đường thân mến, các bạn đã phải thi vấn đáp bao giờ chưa? Thi vấn đáp tức là người ta hỏi, bạn trả lời và thông qua đó người ta đánh giá được trình độ, kiến thức của bạn. Để thi vấn đáp được tốt, bạn phải nắm rất chắc vấn đề được hỏi để tự tin đưa ra câu trả lời của mình, đồng thời phải có phong thái đĩnh đạc đáng tin cậy và chất giọng mạch lạc rõ ràng. Bạn làm tốt phần thi vấn đáp, bạn sẽ ghi nhớ kiến thức tốt hơn, bạn tăng cường khả năng ứng biến và tự tin trong các giao tiếp xã hội, cũng như trong các cuộc phỏng vấn bao gồm cả phỏng vấn xin việc. Và biết đâu, sẽ có cơ hội tranh biện trong các sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Nó khác với những bài phát biểu soạn sẵn cho bạn học thuộc hay đọc lên.

Cụ Biden đã tạo được ấn tượng tốt trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng 3, một bài viết được soạn sẵn cho cụ. Nhưng vấn đáp trực diện lại khiến cụ lúng túng. Cụ liên tục nói nhịu, vấp váp với giọng khàn, thường xuyên hắng giọng và tỏ ra thiếu mạch lạc khi tranh luận. Tiếng của cụ cứ chìm đi yếu ớt, đôi khi còn mất tiếng và cụ còn tỏ ra cáu kỉnh. Cụ đã không thể hoàn thành phần lập luận của mình trong thời gian cho phép. Chẳng hạn cụ nói:

"Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi có thể giúp tất cả mọi người đủ điều kiện cho những gì tôi có thể làm với...". Cụ dừng lại một quãng và nói tiếp. "Covid-19, à không phải, xử lý bằng mọi thứ chúng ta có - à - nếu - cuối cùng chúng ta đã đánh bại Medicare".

Cụ Donald Trump chớp ngay cơ hội, nói luôn: “Ông ta đúng. Ông ta đã đánh Medicare. Ông ta đánh nó đến chết”.

Sau đó, khi đề cập đến vấn đề biên giới, cụ Biden nói: "Tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng ta nhận được lệnh cấm hoàn toàn... một sáng kiến tổng thể liên quan đến những gì chúng ta có thể làm khi tăng quân số lực lượng Biên phòng và nhân viên xử lý tị nạn".

Cụ Trump lập tức công kích: “Tôi thực sự không hiểu ông ấy nói gì. Tôi không nghĩ ông ấy hiểu điều mình nói".

Sau cuộc tranh luận, một thăm dò của đài CNN cho thấy 67% người xem cho rằng cụ Donald Trump thể hiện tốt hơn và 33% cho rằng cụ Joe Biden thể hiện tốt hơn. Nó khác với tỷ lệ hồi năm 2020 khi 53% người xem cảm nhận cụ Biden chiến thắng so với 39% người cho rằng cụ Trump thắng.

Một tổng thống Mỹ hỏng thi, tinh thần sẽ phải chịu áp lực nặng nề hơn so với thất bại thi cử của một công dân bình thường.

Là một thí sinh trong kỳ thi cuối cấp, khi chúng ta thi tốt, gia đình và bạn bè khen ngợi chúng ta. Khi chúng ta thi không tốt, thì chưa chắc đã luôn bị trách móc, thậm chí có người còn an ủi chúng ta. Nhưng cụ Biden, với vai trò đương kim tổng thống Hoa Kỳ và đại diện tranh cử của Đảng Dân Chủ, đã phải chịu rất nhiều áp lực từ mọi phía sau phần thi thất bại, thậm chí ngay từ trong Đảng của mình. Chính là ở hoàn cảnh như các bạn từng được học trong Truyện Kiều, khi cụ Nguyễn Du viết: “Nghĩ mình phương diện quốc gia, quan trên nhìn xuống người ta trông vào.” Các thành viên cấp cao Đảng Dân chủ và các nhà tài trợ thất vọng, tức giận về phần trình diễn của cụ, một số muốn thay thế vai trò ứng viên tổng thống của cụ Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.

Cựu tổng thống Barack Obama, người luôn đứng đằng sau cụ Biden thừa nhận cụ đã có một cuộc tranh biện tồi tệ. Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, một thời sát cánh với cụ đã phát biểu với ý rằng cụ Joe Biden đã lú lẫn. Đại đa số cử tri cho rằng Đảng Dân Chủ sẽ thua chắc nếu để cụ Biden thi tiếp. Nghị sĩ lưỡng Đảng nhất trí coi màn thể hiện của cụ là thảm họa. Tỷ phú Elon Musk đùa tếu rằng, đã lâu rồi hai đảng mới nhất trí như vậy. Giới truyền thông, báo chí gây áp lực để cụ rút lui, họ còn đồn rằng cụ phải quay về trại David để tham vấn gia đình xem có nên đi tiếp. 

Trước áp lực dư luận lớn như vậy, cụ Biden chỉ có thể than thở giải thích là các chuyến công du nước ngoài liên tục là nguyên nhân khiến cụ mệt mỏi và thất thế. Các quan chức Nhà Trắng thì nói rằng cụ bị cảm lạnh. Song, chẳng hiểu ngoại giới thông cảm với cụ được đến đâu.

Vấp váp nhầm lẫn vốn là “nhân hiệu” của cụ Biden, nhưng lần này cụ ông 82 tuổi này đã bị đội ngũ cố vấn ép học hành quá căng thẳng nên càng nhớ trước quên sau. Thực ra, xưa nay cụ vẫn lơ mơ trong nhiều vấn đề của đất nước, nhiều lần cụ đã phát biểu hớ hênh bất cẩn, giờ đây bị bắt phải nhớ quá nhiều thứ trong một thời gian ngắn nên quá tải, nói theo ngôn ngữ IT là “overflow - tràn bộ nhớ”. Bài học rút ra đối với chúng ta, đó là cần sớm chuẩn bị cho mình một nền tảng học vấn tốt qua việc bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm ngày qua ngày, tránh việc để nước đến chân mới nhảy, đến lúc thi mới học. Để khi cần, kiến thức có thể tuôn trào ra như dòng nước chảy không gặp trở ngại.

Xưa kia thời Chiến Quốc, Tô Tần, Trương Nghi du thuyết 6 nước thành công; thời Tam Quốc, Khổng Minh “thiệt chiến” quần Nho Đông Ngô giành thắng lợi; rồi hơn nửa thế kỷ trước, mục sư Martin Luther King chinh phục được công chúng Hoa Kỳ v.v. đâu phải chỉ vì tài miệng lưỡi. Bởi vì con người nhờ kiến thức làm cho phong phú, nhờ đảm lược khiến mình tự tin, vững chãi tự tin bên trong mới có phong thái đàng hoàng đĩnh đạc và ngôn ngữ hùng biện bên ngoài, như tiểu thuyết gia La Quán Trung từng viết là: “Lời đầu lưỡi khua cơn sóng gió, mẹo trong lòng sáng tỏ trăng sao”. Cụ Biden dường như chưa tự mình rèn được bản lĩnh này.

Tất nhiên, khi bạn là đương kim tổng thống Hoa Kỳ đang tái tranh cử, với một kết quả thi thố nghèo nàn đến thế, thì điều tiếng tìm đến bạn là một phần tất yếu của cuộc chơi. Nhưng chẳng phải là nếu một ông lão hom hem ngoài 80 phải chịu nhận chừng ấy áp lực, thì một thí sinh trẻ trung phơi phới, còn có cả một tương lai rộng mở trước mặt như bạn lại sợ hãi việc thi hỏng hay sao? Cuộc đời còn nhiều cuộc thi đang chờ đợi bạn lắm đấy, và việc học tập tiến thân không phải chỉ có một con đường.

Trường học không phải con đường duy nhất để tiến thân, gương người xưa đến nay chẳng cũ

Nếu chẳng may thi hỏng, mong bạn đừng quá thất vọng, mà hãy rút kinh nghiệm để làm tốt hơn lần sau. Trong khi đó, bạn có thể có những lựa chọn khác, ngoài trường công còn có trường tư, ngoài trường học còn có trường nghề. Miễn là bạn có ý chí, có lòng say mê hiếu học thì cơ hội được học tập và thành công có ở mọi nơi. Con người ta có thể tự học mà thành tài, gương người xưa đã để lại không ít.

Vào thời Tam Quốc, Ngô chủ Tôn Quyền rất ham đọc sách và nhiều lần khuyên tướng sĩ của mình đọc sách để học hỏi thêm. Ông đã khuyên hai tướng Lã Mông và Tưởng Khâm rằng: “Các khanh nay đều là người giữ chức vụ trọng yếu, nắm giữ việc quốc gia, phải đọc sách nhiều, để bản thân không ngừng tiến bộ”.

Lã Mông ban đầu ít học, kiến thức nông cạn, bị mọi người chê cười, gọi là “Ngô hạ A Mông” (cu Mông đất Ngô). Khi ấy, Lã Mông thoái thác nói: “Trong quân doanh thường khổ nhọc với nhiều sự vụ, e rằng chẳng có thời gian nào mà đọc sách được”.

Tôn Quyền nhẫn nại chỉ bảo:

“Lẽ nào ta bảo các khanh nghiên cứu dùi mài kinh thư, làm đại học sĩ? Chẳng qua bảo các khanh xem sách nhiều một chút, hiểu chuyện lịch sử xưa, tăng thêm kiến thức mà thôi. Các khanh nói xem, sự vụ ai nhiều bằng ta? Ta khi còn trẻ đã đọc Kinh Thi, Thượng Thư, Lễ Ký, Tả Truyện, Quốc Ngữ, chỉ là chưa có đọc Chu Dịch. Từ khi ta chấp chính đến nay, lại nghiên cứu tỉ mỉ ba bộ sử là Sử Ký, Hán Thư và Đông Quan Hán Ký, và sách binh pháp của các gia khác nhau, tự thấy thu được rất nhiều lợi ích”.

“Như hai khanh, tư tưởng khí chất thông minh dĩnh ngộ, học tập nhất định sẽ thu được nhiều lợi ích, sao có thể không đọc sách nhỉ? Trước tiên nên đọc Tôn Tử, Lục Thao, Tả Truyện, Quốc Ngữ và ba bộ sử”.

“Khổng Tử đã từng nói: ‘Cả ngày không ăn, cả đêm không ngủ, cũng chẳng có gì tốt cả, vẫn không bằng học tập’”.

“Quang Vũ Đế thời Đông Hán mang trọng trách chỉ huy chiến tranh, nhưng tay không lúc nào rời sách. Tào Tháo cũng nói rằng, mình già mà vẫn hiếu học. Vậy sao các khanh cứ mãi không khích lệ mình cố gắng?”.

Từ đó Lã Mông bắt đầu chuyên tâm học tập cần mẫn, những thư tịch ông đã đọc thì nhiều Nho sĩ cao niên vẫn không sánh được. Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc lên thay nắm quyền quân sự nước Ngô. Có lần Lỗ Túc gặp Lã Mông, trong lòng vẫn coi Lã Mông như viên tướng hữu dũng vô mưu, chẳng ngờ khi cao đàm khoát luận mới thấy kiến thức Lã Mông phong phú, kiến giải mọi việc thật sáng suốt, mới kinh ngạc than rằng: “Xưa nay ta vẫn xem lão đệ chỉ là võ tướng dũng mãnh. Đến hôm nay, kiến thức lão đệ quả là xuất chúng, thực sự chẳng còn là Ngô hạ A Mông nữa”.

Lã Mông đưa ra ba kế sách cho Lỗ Túc, Lỗ Túc vô cùng cảm kích đón nhận. Sau này Lỗ Túc chết, Lã Mông lên thay làm đại đô đốc, đưa ra kế sách đoạt Kinh Châu cho Tôn Quyền, rồi chính ông tự mình chỉ đạo để thực hiện kế sách này, cuối cùng lập kỳ công cho Đông Ngô.

Ở nước Mỹ thế kỷ 19 có tổng thống Abraham Lincoln nhờ tự học mà thành tài. Do hoàn cảnh không cho phép, Lincoln đi học 9 năm trời, nhưng những ngày tới trường tổng cộng không đến một năm, hầu hết là do ông tự học và tích cực đọc sách. Trên thực tế Lincoln là người tự học, đọc mọi cuốn sách có thể mượn được. Lincoln thông thạo Kinh Thánh, các tác phẩm của William Shakespeare, lịch sử Anh, lịch sử Mỹ, và học được phong cách trình bày giản dị trước thính giả. Thời niên thiếu, thường khi ông phải đi mấy dặm đường để mượn một cuốn sách, và có lần ông kể với một người bạn là ông đọc hết các sách mà ông biết đến sự tồn tại của chúng trong vòng bán kính 50 dặm quanh nơi ông ở.

Nhờ trời sinh ông có tài diễn thuyết, lại vốn yêu mến công lý nên ông muốn theo nghề luật. Vốn không có sách luật và cũng chẳng có tiền mua nên ông phải đi bộ 12 dặm đường để tới một văn phòng quen, để đọc ở đó một bộ sách về luật pháp xứ Indiana.

Trước khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Abraham Lincoln đã là một luật sư giỏi nức tiếng. Kiến thức luật ông học được, là nhờ đọc những cuốn sách luật, tài hùng biện thiên bẩm của ông càng sắc bén nhờ đọc những cuốn sách như “Văn phạm” của Samuel Kirkham.

Ở Việt Nam cũng có những học giả nhờ tự học mà thành tài, chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Hiến Lê - một cây bút có tiếng. Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, cụ đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính ra, số bộ sách của cụ được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của cụ và tính từ năm cụ bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm cụ hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.

Trong tác phẩm "Đời viết văn của tôi", cụ tự bạch: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT để HỌC và HỌC để VIẾT."

Một lần khác cụ tâm sự: “Người nào đã kiên tâm tự học thì sớm muộn gì cũng vượt hẳn lên trên những người khác, không giàu sang hơn thì cũng được kính trọng hơn”.

Về việc đọc sách, cụ viết: “Suốt hàng nghìn năm qua, những kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác luôn được ghi ra trong sách vở truyền thụ lại cho đời sau. Đọc sách tức là tiếp nhận vốn tinh thần nhân loại mà chính nó lại là cầu nối giữa thế hệ của ta với những thế hệ trước và sau ta”.

Ngày nay, chúng ta không phải đi mấy chục dặm đường để tìm đọc một cuốn sách như thời tổng thống Lincoln, hết thảy đều có thể tìm thấy trên mạng internet, miễn là các bạn có ý chí và ham mê học tập. Và không nên nghĩ rằng không cần phải tự học, bởi vì ngay cả các trường đại học top đầu của thế giới cũng yêu cầu sinh viên phải tự nghiên cứu để hoàn thành chương trình học tập của mình.

Có bạn băn khoăn: vậy còn bằng cấp thì sao? 

Bằng cấp cần thiết, nhưng thực lực quan trọng hơn

Chúng tôi có may mắn được một chủ doanh nghiệp lớn chia sẻ câu chuyện tuyển dụng của doanh nghiệp ông. Ông kể, thời gian đầu, doanh nghiệp của ông cũng muốn tuyển dụng những người nhiều bằng cấp vì nghĩ họ có nhiều năng lực và hiểu biết. Nhưng qua một thời gian, ông phát hiện có nhiều người đi học chỉ vì bằng cấp. Không ít người trong số họ ỷ vào bằng cấp nên tự đánh giá mình cao hơn thực tế, họ không ham học, ngại vất vả, làm việc thiếu hiệu quả song lại đòi hỏi nhiều điều kiện đãi ngộ hơn người. Dần dần, ông không tuyển người có nhiều bằng cấp, mà tuyển người có trình độ năng lực phù hợp với vị trí tuyển dụng, có nhiều vị trí ông không cần tuyển người có bằng đại học. Thế là có nhiều ứng viên đến tham gia tuyển dụng đã phải giấu bớt bằng đi. Xã hội hiện đại ngày càng coi trọng người có thực lực, chứ không xem trọng bằng cấp như trước.

Vậy thì, bằng cấp cũng cần thiết, nhưng về lâu dài, vẫn là thực lực. Nếu không có thực lực, bằng cấp chỉ là vật trang trí. Thực lực chính là nói đến năng lực thực sự của tư duy và sức mạnh của nội tâm.

Các bạn thí sinh thân mến, thư cũng đã dài, dẫu tâm huyết còn nhiều song chúng tôi chỉ xem đây là sự chia sẻ của người đi trước để các bạn tham khảo. Dẫu thành công, dẫu thất bại, câu chuyện thi cử của bạn mới chỉ bắt đầu. Trong đời, chúng ta phải thi nhiều lần nữa và không phải khi nào cũng dễ dàng như kỳ thi học đường này đâu bạn ạ. Chẳng hạn, khi gặp thất bại, bạn thi về ý chí can trường; khi ở đỉnh thành công, bạn thi về sự khiêm tốn và lòng biết ơn; Lúc hoàn cảnh đi xuống, bạn thi về sự lạc quan, về lòng hy vọng; khi bị cám dỗ, bạn thi về bản lĩnh giữ mình; khi giao ước với người, bạn thi về lòng chân thật, thành tín; khi ứng xử với đời, bạn thi về sự thiện lương; khi hợp tác với người, bạn thi về lòng bao dung v.v. Bạn chẳng cần thi đấu để thắng ai, mà để thắng chính mình. 

Thắng được chính mình, còn cuộc thi nào làm khó được bạn nữa đây? 

Nguyên Vũ