Vì sao dân số Trung Quốc đang ngày càng 'biến mất'?
Dân số chính là vốn quý của một quốc gia. Trong thời đại trọng kim tiền như ngày nay, đi đến đâu người ta cũng chỉ nhắc đến tài chính, kinh tế. Các quốc gia cũng quan hệ với nhau dựa trên lợi ích vật chất, kinh tế là nhiều. Nhưng ai là tác giả thực sự của những con số thống kê ấn tượng về tăng trưởng kinh tế mỗi năm ấy?
Sẽ là ai nếu không phải là người dân, lực lượng lao động đang tạo ra sản phẩm mỗi ngày bằng bàn tay và khối óc của chính mình. Bởi vậy mới nói, dân số chính là vốn quý nhất của một quốc gia. Nếu không có người dân, chẳng một chính thể nào tồn tại được, nếu không có người dân cũng chẳng có bất cứ một nền văn minh nào trong quá khứ. Nhưng mọi chuyện sẽ ra sao nếu dân số của một quốc gia cứ dần dần teo tóp đi rồi biến mất. Ở một chương trình trước, chúng ta đã bàn đến “quốc nạn” dân số của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các nhà khoa học đã từng dự báo về sự bùng nổ dân số trong đó dân số loài người sẽ tăng liên tục cho tới khi đạt tới con số 12,3 tỷ vào năm 2100 mà không chững lại. Nhưng đến năm 2017, các nhà khoa học của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) và Đại học Washington, Hoa Kỳ đã dự báo rằng từ năm 2017 cho tới năm 2064, dân số sẽ liên tục tăng từ mốc 7,8 tỷ người lên mốc 9,7 tỷ, nhưng sau đó, dân số thế giới sẽ chững lại trước khi rơi về mức 8,8 tỷ người ở cuối thập niên đó.
Các dự báo trong năm 2022 của Liên hợp quốc cho thấy, dân số có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, lên 9,7 tỷ người năm 2050. Dân số có thể lập đỉnh vào những năm 2080, lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100. Còn trong năm 2023, theo một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận The Club of Rome công bố, dân số thế giới đang là 7,96 tỷ người, sẽ đạt đỉnh 8,6 tỷ vào khoảng năm 2050, và trước khi thế kỷ 21 kết thúc, dân số sẽ giảm gần 2 tỷ người.
Những con số dự báo này quả là không thống nhất và liên tục thay đổi, cho thấy dự báo cũng chỉ là dự báo, nhất là dân số không phải là một điều dễ dự báo cũng như khoa học chắc hẳn không phải Đấng toàn năng để con người có thể hoàn toàn dựa dẫm vào. Ấy vậy mà, dựa trên những dự báo kiểu này, duy nhất một quốc gia đã thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình một cách hà khắc, đó chính là Trung Quốc.
Cấm đẻ vì tin vào dự báo dân số của một nhà khoa học… tên lửa
Hơn 40 năm trước, một nhà khoa học tên lửa của Trung Quốc đã áp dụng mô hình toán học dùng để tính toán quỹ đạo tên lửa vào việc tính toán mức tăng trưởng dân số, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã thực thi “chính sách một con” dựa trên mô hình này. Nhà khoa học này tên là Tống Kiện (Song Jian), là một trong những nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc chuyên nghiên cứu về vệ tinh và tên lửa.
Theo The Wall Street Journal, vào năm 1979, ông Tống Kiện đã đệ trình lên các quan chức Trung Quốc bản báo cáo về việc áp dụng các mô hình toán học vào tỷ lệ sinh. Trước đó, ông này và một nhóm nghiên cứu đã tính toán ra mức độ sinh sản khác nhau sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dân số Trung Quốc. Ông Tống chỉ ra trong báo cáo rằng dựa trên tỷ lệ một phụ nữ sinh 3 con, dân số Trung Quốc sẽ đạt 4,26 tỷ vào năm 2080.
Có vẻ như dân số Trung Quốc, theo dự báo của ông, cũng bay vụt lên và dễ đoán như quỹ đạo tên lửa vậy.
Thực tế thì, mô hình dự báo của ông Tống Kiện có nhiều khiếm khuyết, có thể tạm liệt kê một vài yếu tố như sau. Tờ The Wall Street Journal cho biết một yếu tố không được xem xét trong toán học dân số của ông là hành vi văn hóa của con người. Đó là tâm lý một con lâu dài do ảnh hưởng của các chính sách tuyên truyền và cưỡng chế. Nếu một cặp vợ chồng chỉ có thể sinh một đứa con thì họ muốn có con trai hơn. Và sự mất cân bằng nam nữ cũng ảnh hưởng đến sinh đẻ và quy mô dân số.
Thứ hai là nó không tính đến các lực lượng kinh tế, chẳng hạn như những cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã gây ra tình trạng di cư ồ ạt đến các thành phố, điều này còn làm giảm tỷ lệ sinh nhiều hơn so với tưởng tượng.
Thứ ba là những biến cố hay tai họa không thể tính trước. Chẳng hạn như mô hình của ông liệu có dự báo được cái chết của nhiều triệu người Trung Quốc do dịch SARS năm 2003, và nhất là trong đại dịch COVID bắt đầu từ đầu năm 2020 cho đến nay chưa chấm dứt ở Trung Quốc hay không? Những điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến quy mô dân số.
Bà Susan Greenhalgh, nhà nhân chủng học tại Đại học Harvard, đã viết một cuốn sách về "chính sách một con". Bà kể, ông Tống Kiện cho rằng tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng sẽ cản trở Trung Quốc trở thành một quốc gia hiện đại. Bà nói: “Ông ấy đã dùng những câu chuyện đáng sợ về một cuộc khủng hoảng nhân khẩu - kinh tế - sinh thái sắp xảy ra để thuyết phục mọi người (giảm dân số)”.
Vào ngày 25/9/1980, CCP yêu cầu các đảng viên hạn chế quy mô gia đình và chỉ sinh một con. "Chính sách một con" bắt đầu từ đó và được duy trì trong suốt 35 năm. Khác với sự suy giảm tỷ lệ tăng dân số ở các quốc gia Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia phát triển ở phương Tây như Ý, Đức… là không có vai trò cưỡng bức của chính quyền. Các vấn đề về dân số ở Trung Quốc hiện nay đều do "chính sách một con" mang lại, chính quyền đã cấm sinh thêm con thứ hai, và nay khi dân số suy giảm, chính quyền liệu có cấm việc mỗi cặp vợ chồng sinh ít hơn 2 con?
Dựa vào đâu để bắt đẻ và bắt không đẻ?
Xưa nay, dù là xã hội truyền thống Trung Hoa hay là kể cả những quốc gia theo chủ nghĩa cực quyền như phát xít, thì chính phủ của nó cũng không can thiệp tới đời sống riêng tư của dân chúng, đặc biệt là vấn đề liên quan tới sinh đẻ. Trong “Kinh Thi” có câu: “Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc” tạm dịch là “Trời sinh bách tính, vạn vật đều nằm trong nguyên tắc”, có thể hiểu là ai được sinh ra là được Trời an bài rồi, số lượng dân số bản thân nó có cơ chế tự điều tiết.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh thì nhất định phải can thiệp, nó mơ ước quản chế mọi thứ, bao gồm cả bộ phận sinh đẻ của phụ nữ. Muốn lý giải được điều ấy, thì chắc chắn cần đến sự giải trình trong lịch sử và tìm hiểu cơ sở lý luận của CCP đối với vấn đề này.
Năm 1956, báo cáo chính trị trong Đại hội lần thứ 8 của CCP đã nêu ra chủ trương hạn chế sinh sản, bởi vì quan điểm của Trung Nam Hải là không gì không quản, tức là cái gì cũng đưa vào trong kế hoạch. Ngày 27 tháng 2 năm 1957, trong Hội nghị Quốc vụ tối cao, Mao Trạch Đông nói: “Với vấn đề sản xuất trong nhà máy, sản xuất vải, sản xuất bàn ghế, sản xuất gang thép, đều có kế hoạch, còn đối với việc sinh sản của bản thân nhân loại thì lại không có kế hoạch, đó chính là chủ nghĩa vô chính phủ. Nhân loại phải khống chế bản thân mình, phải đạt được việc tăng trưởng có kế hoạch, đôi khi còn có thể khiến nó có thể gia tăng thêm một chút, đôi khi có thể dừng lại một chút.”
Từ góc độ của Thuyết Duy vật như vậy thì cái gì mà không là sản xuất, thế thì sinh con cũng phải đưa vào kế hoạch để không chế. Sau khi cuộc vận động Đại Nhảy vọt năm 1957 thất bại, Mao và CCP đã thay đổi luận điệu, “nhiều người là việc tốt” đã trở thành tư tưởng chủ đạo.
Thế là, từ bắt không đẻ lại thành bắt đẻ.
Khẩu hiệu đã được đổi thành: “Nhiều người sức mạnh lớn”, “Con người không chỉ có một cái miệng, mà còn có một đôi tay, có thể sáng tạo ra thế giới”, người phụ nữ nào có 10 con trở lên ban tặng danh hiệu “bà mẹ vinh quang”. Lúc đó, ai nói ngược lại thì bị coi là “Luận điệu hoang đường của giai cấp tư sản” và là “công kích điên cuồng của cánh hữu”, đã bị “vạch trần, phê phán triệt để”. Nhân vật Mã Dần Sơ, hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh có thể là một nhân chứng cho việc này.
Kết quả là dân số của Trung Quốc những năm 60, 70 thế kỷ trước tăng trưởng chóng mặt. Và sau những nghiên cứu và dự báo dân số đã kể trên, ngày 6 tháng 3 năm 1981, Bắc Kinh thành lập Ủy ban Kế hoạch sinh sản, yêu cầu cưỡng chế sinh ít con, “kế hoạch sinh sản” trở thành “quốc sách” cơ bản của CCP, không phải là nhân dân tự nguyện, nhà nước hỗ trợ như ở thế giới bên ngoài, mà đưa thẳng vào hiến pháp.
Thế là, từ bắt đẻ lại thành bắt không đẻ.
Luật đã có, khi chế tài càng đáng sợ hơn. Vượt quá tỷ lệ sinh cho phép, thai nhi còn trong bụng sẽ bị phá, sinh ra sẽ bị giết. Khẩu hiệu dân số bây giờ đã được đổi thành:
“Thà nát nhà, cũng không để vong quốc”;
“Uống thuốc trừ sâu tự sát sẽ không cản, treo cổ thì đưa dây thừng”;
“Một người sinh đẻ vượt mức, toàn thôn phải triệt sản”;
“Thà máu chảy thành sông, cũng không cho sinh quá thêm một trẻ”;
“Thà thêm 10 phần mộ cũng không thêm một con người!”
Rõ là, quốc kế dân sinh như giấy nháp, sinh mệnh dân chúng như cỏ rác.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn, Trung Quốc đã thực hiện 336 triệu ca phá thai từ năm 1971 đến năm 2013. Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc Trần Quang Thành (Chen Guancheng) đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với hàng trăm phụ nữ bị ảnh hưởng bởi luật kế hoạch hóa gia đình ở Lâm Nghi, một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, miền nam Trung Quốc. Dựa trên các đoạn ghi âm phỏng vấn này, ông trao đổi với hãng tin NPR rằng: Trong một số trường hợp phụ nữ nạo phá thai muộn, "Các bác sĩ sẽ tiêm chất độc trực tiếp vào hộp sọ của đứa trẻ để giết chết nó", “Các bác sĩ khác sẽ [tiêm thuốc] ép sinh non. Nhưng một số đứa trẻ vẫn còn sống khi chúng được sinh ra và bắt đầu cất tiếng khóc chào đời. Các bác sĩ đã bóp cổ hoặc dìm chết những đứa trẻ đó”.
Một số gia đình phải chứng kiến con cái của họ bị chính quyền bắt đi, hoặc bị yêu cầu nộp phạt rất nặng - lên đến bốn hoặc sáu lần thu nhập hàng năm của gia đình - vì vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, tiền phạt sẽ cao hơn đối với đứa con thứ hai hoặc tiếp theo được sinh ra ngoài giá thú. Câu chuyện giết đi giết lại đứa trẻ sơ sinh của Hoàng Cầu Sinh - một nông dân ở Vũ Hán, được giới truyền thông Trung Quốc đưa lên năm 2006 quá sức ám ảnh. Những câu chuyện tương tự nhiều không kể xiết, quý khán thính giả nếu quan tâm có thể tự tìm hiểu.
Hậu quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình này là cơ cấu dân số nhanh chóng già đi, số người về hưu không ngừng tăng lên, còn số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm đi, hệ thống lương hưu xã hội luôn thiếu hụt nghiêm trọng phải đối mặt với áp lực sụp đổ. Hiện nay một cặp vợ chồng phải phụng dưỡng bốn người già, đồng thời còn phải nuôi một đứa con. Đứa con này được chiều chuộng quá mức dễ sinh hư, nó cũng khó tìm vợ do tâm lý trọng nam khinh nữ, và không có gì đảm bảo là nó sẽ cáng đáng được việc phụng dưỡng cha mẹ già, trong khi quốc gia không có cơ chế cứu trợ.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, công bố vào ngày 17/1/24, cho thấy chỉ có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái - năm thứ bảy liên tiếp con số đó giảm. Nó đã chạm mức thấp nhất kể từ khi CCP nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949.
Trung Quốc thấy mình chưa giàu đã già. Đã vậy, thì buộc dân phải đẻ thôi.
Trung Nam Hải đã áp dụng chính sách cho phép các gia đình sinh 3 con vào năm 2021. Chính quyền địa phương trên toàn quốc cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Các lựa chọn bao gồm khấu trừ thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục miễn phí tại các trường công lập. Năm 2022, trang web chính thức của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã công bố “Những điểm chính trong công tác của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc năm 2022”, yêu cầu triển khai một hành động đặc biệt để can thiệp việc phá thai ở những người chưa kết hôn nhằm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở thanh thiếu niên.
Từ cấm mang thai, thoắt biến thành cấm phá thai.
Một số nơi ở Trung Quốc, cũng giống như ở Rumani thời Ceausescu, thậm chí xuất hiện cả “cảnh sát kinh nguyệt”, tức là những nhân viên nhà nước theo dõi kinh nguyệt của phụ nữ. Chẳng hạn, khi bạn đang họp ở công ty thì có người gọi điện đến hỏi “Tháng này có kinh chưa?”
Nhưng những chính sách này chẳng có mấy tác dụng. Dân số Trung Quốc tiếp tục suy giảm, số trẻ sơ sinh ngày càng ít đi.
Ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số Mỹ bày tỏ quan điểm: “Trong 30, 40 năm qua, họ đã được dạy rằng trẻ em là gánh nặng chứ không phải phước lành; họ đã được nói rằng mọi người nên sinh ít con hơn vì lợi ích của đất nước. Giờ đây, đột nhiên, bạn không thể lật ngược mọi chuyện và nói rằng hãy bắt đầu có con”.
Cơ sự thế này, lại phải bắt dân đẻ quyết liệt hơn nữa.
Giáo sư tại Đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc là ông Triệu Yên Tinh (Zhao Yanjing) cho rằng nhằm kích thích khả năng sinh sản, nên trừng phạt những người không sinh con và khen thưởng những người có con. Điều này cho thấy một khi ở trong văn hóa do CCP tạo ra, thì giải pháp chỉ có thưởng và phạt, kể cả giới học giả cũng không có ý gì hơn. Và có thể dự đoán rằng, nhà nước Trung Quốc sắp tới sẽ lại bắt đẻ, đây cũng là dự đoán của ngoại giới và của chính người dân Trung Quốc.
Đó là tóm tắt toàn cảnh của công trình kế hoạch hóa gia đình của chính quyền Trung Nam Hải từ hơn nửa thế kỷ trước cho đến nay.
Nguyên nhân gì khiến người Trung Quốc hiện nay không sinh đẻ?
Nguyên nhân thứ nhất là chi phí nuôi một đứa trẻ Trung Quốc hiện nay quá cao.
Hôm 21/2, tổ chức tư vấn "Nghiên cứu Dân số Yuwa" của Trung Quốc đã công bố "Báo cáo chi phí sinh con Trung Quốc phiên bản 2024". Đây là tổ chức chuyên nghiên cứu về dân số Trung Quốc và các vấn đề chính sách công liên quan.
Báo cáo này cho biết, chi phí sinh và nuôi con ở Trung Quốc cao hơn cả Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, "gần như cao nhất thế giới". Chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc là khoảng 680.000 nhân dân tệ (khoảng 2,3 tỷ VND). Theo kết quả khảo sát mẫu năm 2017 của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia Trung Quốc, thì lý do hàng đầu khiến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không có kế hoạch sinh thêm là gánh nặng tài chính (chiếm 77,4% số lượng được khảo sát).
Nguyên nhân thứ hai, là tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc rất nan giải.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Năm và tháng Sáu năm 2023 của thanh niên từ 16-24 tuổi lần lượt là 20,8% và 21,3%. Đây lại là một kỷ lục mới kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 2018. Sang đến đầu năm 2024, con số này có giảm, nhưng dư luận nói chung thì không tin vào cách tính của nhà nước vì mấy lý do:
Một là, mỗi tuần làm việc 1 tiếng cũng được tính là có việc làm.
Hai là, tỷ lệ thất nghiệp không bao gồm dân số nông thôn, mà tình hình việc làm ở nông thôn thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ba là, 200 triệu người làm việc linh hoạt cũng được tính là có việc làm, trong khi làm việc linh hoạt có nghĩa là họ không có việc làm chính thức.
Bốn là, ‘lực lượng phi lao động’ không được tính vào phạm vi thống kê thất nghiệp. Lực lượng phi lao động là những người nằm thẳng, người làm con toàn thời gian, và con ông cháu cha không cần làm mà vẫn có ăn.
Vì vậy, dư luận cho rằng, con số thất nghiệp trong thực tế có thể đến 40% hoặc hơn nữa.
Khi sinh kế bị đe dọa, nghề nghiệp không ổn định, thì tâm lý nặng nề, tiền bạc thiếu thốn, và người ta cũng không muốn sinh nở.
Nguyên nhân thứ ba, là do chênh lệch nam nữ quá lớn và tâm lý xã hội phức tạp khiến việc dựng vợ gả chồng khó khăn. Như trong một chương trình gần đây của chúng tôi có đề cập đến hiện tượng nhiều nam thanh niên phải chấp nhận lấy phụ nữ lớn tuổi, hoặc bỏ tiến lấy vợ ngoại quốc; trong khi có những cô gái trẻ chẳng muốn lấy chồng, hoặc yêu người số AI. Thậm chí ở nông thôn Trung Quốc ngày nay, thanh niên cũng chẳng thể lập gia đình. Theo số liệu từ "Niên giám thống kê Trung Quốc 2021", tỷ số giới tính ở nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ là 107,91, tức là cứ 100 nữ thì có 107,91 nam. Sự mất cân bằng này ở Thượng Hải và Bắc Kinh là nghiêm trọng nhất, lần lượt là 130,93 và 120,21.
Nguyên nhân thứ tư, là dân khí bạc nhược, buông xuôi, nằm ngửa. Căn bệnh nằm ngửa đã phát ra từ vài năm trước. Năm 2023, đã xuất hiện “Thanh niên 4 không” (không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con). Hiện giờ năm 2024 hiện tượng này đã phát triển thành “thanh niên 10 không” (không hiến máu, không quyên tiền, không kết hôn, không sinh con, không mua nhà, không mua vé số, không đầu cơ cổ phiếu, không mua quỹ, không giúp đỡ người già bị ngã, không xúc động.)
Thanh niên nằm ngửa chán chường, tự coi mình là thế hệ người Trung Quốc cuối cùng, không muốn sinh thêm con cái để tiếp tục kiếp người Trung Quốc khổ ải.
Tất nhiên, danh sách này còn dài, nhưng chỉ chừng ấy nguyên nhân cũng đã khiến giới hoạch định chính sách đau đầu. Nếu Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác coi xu hướng suy giảm dân số là một vấn đề nan giải thì Trung Quốc lại càng bó tay hết cách, nhất là khi não trạng của CCP vốn chỉ giới hạn ở giải pháp cưỡng chế bắt ép mà thôi.
CCP hay không CCP, đó chính là vấn đề
Vấn đề dân số là vấn đề mà rất nhiều các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt, chẳng hạn các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tìm cách giải bài toán suy giảm dân số, và đó là nhu cầu bình thường, không có gì đáng phản đối. Điều đáng phản đối là cách thức chính phủ cưỡng chế thô bạo mà duy nhất có Trung Quốc đang thực hiện. Cưỡng ép con người sinh đẻ hoặc không sinh đẻ thể hiện văn hóa Đấu - đấu người và đấu Trời; giết hại sinh mệnh trẻ thơ, xâm phạm sức khỏe và tinh thần của sản phụ là văn hóa Ác, là tội ác phản nhân loại, hoàn toàn trái ngược với truyền thống bảo vệ phụ nữ và trẻ thơ của các quốc gia văn minh.
Thực ra, đối với một chính phủ thông thường sẽ có rất nhiều cách điều tiết dân số. Nhân khẩu học và tài liệu thống kê của Liên Hợp Quốc đã thể hiện rằng những nơi có cơ chế an sinh xã hội hoàn thiện và trình độ giáo dục của nhân dân cao thì tỷ lệ sinh sản sẽ tự nhiên giảm bớt. Căn cứ theo con số thống kê của Trung Quốc năm 1986, chỉ cần phụ nữ được giáo dục tới trung học cơ sở thì tỷ lệ sinh sản sẽ giảm tới 2.13, từ đó khiến cho dân số đạt được mức cân bằng, những người phụ nữ được giáo dục tới hết trung học và đại học thì tỷ lệ sinh sẽ giảm thêm tới 1.82 và 1.11. Nếu căn cứ theo con số thống kê hiện nay thì còn giảm xuống thêm một bước nữa. Hàn Quốc, Nhật Bản là xã hội phát triển, phụ nữ có học vấn cao và tỷ lệ sinh đang giảm, là một minh chứng thực tế.
Còn nếu muốn tăng tỷ lệ sinh, thì cần phải giải tỏa được tâm lý người dân. Chẳng hạn như sự bùng nổ dân số của thế hệ Baby Boomer ở các nước phát triển sau Thế chiến 2 có nguyên nhân chính là vì con người lúc đó có một cảm giác an toàn khi chiến tranh đã chấm dứt, thời kỳ đau khổ đã kết thúc, trước mắt là những năm tháng kiến thiết xây dựng và người ta tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Tương tự, nếu muốn tăng tỷ lệ sinh thì Trung Quốc phải giảm thất nghiệp, cải thiện an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nam nữ yên tâm xây dựng gia đình, biến xã hội Trung Quốc thành một nơi an toàn và đáng sống v.v. Chính là như người xưa đã nói “an cư thì lạc nghiệp”, tự nhiên tỷ lệ sinh sẽ tăng lên.
Đằng này, Bắc Kinh suốt hơn 70 năm nắm quyền chỉ biết cưỡng chế và trừng phạt, đến nỗi đa phần dân chúng chán chường chỉ muốn nằm ngửa buông xuôi, một phần đã mất đi sinh mệnh trong tai họa và dịch bệnh, phần khác bất chấp nguy hiểm để đào thoát… dường như vấn đề tăng dân hay không nằm ở sự tồn tại hay không của ĐCSTQ, chứ đâu nằm ở dân chúng Trung Quốc.
Nguyên Vũ