Vì sao Iran dám đối chọi với cả Israel và thế giới Ả Rập?
Có một xứ sở phương Đông huyền bí
Nơi có những phiên chợ Ba Tư náo nhiệt, sôi động
Lẫn những chuyện nghìn lẻ một đêm hấp dẫn thầm thì
Nơi Alibaba hô “Vừng ơi, mở ra” trong sa mạc hoang vắng
và thủy thủ Sinbad dong buồm theo gió lướt đi
Nơi có những công chúa dung nhan tuyệt mỹ sau tấm voan bí ẩn
Lẫn những tên cướp râu xồm mắt sắc mặt sầm sì
Nơi sản sinh ra những đế chế huy hoàng
Và cả những nhà nước bạo tàn độc đoán
Và nay
Đó là nơi đầu mối của những rắc rối
Là nơi bị nghi ngờ sản xuất vũ khí hạt nhân
Là nơi hậu thuẫn cho những lực lượng phiến quân Hồi giáo
Và nơi nhận về những thù địch của thế giới Tây - Đông
Đó chính là Iran.
Người ta ví Iran như con bạch tuộc đang vươn vòi khuấy động khắp nơi ở Trung Đông và Trung Á. Hậu quả là những ngày gần đây, Iran liên tiếp xung đột với các nước Pakistan, Iraq, Mỹ, Israel… trước đó là vụ khủng bố bằng bom của IS làm chết gần 100 người trong lễ kỷ niệm 3 năm ngày mất của viên tướng Quarem Soleimani, ở thành phố Kerman, phía Nam Iran.
Iran đang chơi một trò chơi nguy hiểm và không đáng hoan nghênh. Nhưng vì sao Iran có thể tự tin chống lại nhiều quốc gia như vậy? Phải chăng là vì ỷ vào những lợi thế về văn hóa và địa chính trị có một không hai của nước này?
Ba Tư: Một nền văn hóa độc nhất vô nhị
Người Iran rất tự hào về lịch sử của mình. Quả thực đã từng tồn tại một nền văn minh huy hoàng độc nhất vô nhị ở vùng đất này: văn minh Ba Tư.
Đế chế không xuất hiện sớm nhất nhưng nổi tiếng nhất của văn minh Ba Tư là đế chế Achaemenid. Nó được sáng lập bởi Cyrus Đại Đế vào năm 551 TCN với kinh đô nằm tại lãnh thổ Iran hiện nay, trước đó chưa từng có một đế chế rộng lớn đến thế, với lãnh thổ nằm vắt qua 3 châu lục Á, Âu, Phi.
Đế chế Ba Tư, vào thời kỳ vây hãm Hy Lạp được nhà sử học Peter Brown viết rằng nó: “từng duỗi thẳng ra giống như đuôi của một con rồng, xa tới tận Oxus, Afghanistan và thung lũng sông Ấn”.
Bản thân Cyrus đại đế là một nhà cai trị lỗi lạc, được tôn là "Đức Vua của các vị vua", có một phương pháp quản trị mềm mỏng, khéo léo nhưng rất hiệu quả, khiến đế chế Ba Tư hưng thịnh trong hơn 200 năm.
Vào năm 330 TCN triều đại Achaemenid bị Alexander Đại đế của Macedonia chinh phục nhưng cũng không vì thế mà văn hóa Ba Tư bị đồng hóa. Khi Alexander tiến chiếm kinh thành Babylon của Ba Tư, ngài đọc được các văn kiện của triều đình này và hết sức ngạc nhiên về luật pháp nghiêm minh, tài tổ chức khéo léo một đế quốc rộng lớn với nhiều sắc dân, cũng như trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cao của người Ba Tư. Alexander lại càng đẹp lòng hơn với tinh thần chăm lo cho dân chúng của quan lại xứ này nên thay vì xử tội chết, ngài cho phép họ giữ nguyên chức vụ và quyền lợi. Vốn từng nghĩ rằng Hy Lạp là văn minh còn Ba Tư là man rợ, Alexander Đại đế đã phải thay đổi và ngược lại đã học hỏi cách thức trị quốc và lễ nghi của người Ba Tư. Ngài còn cưới một công chúa Ba Tư để có thêm sự ủng hộ của người bản xứ.
Điều tương tự xảy ra với những đế chế đã từng đến và đi ở vùng này. Sau người Macedonia là nhà Arsaces cũng thuộc tộc Iran, rồi đến nhà Sassanid đem lại một thời đại văn minh xán lạn. Vào đầu thế kỷ 7, Hồi giáo trỗi dậy, đến năm 651 thì người A Rập theo Hồi giáo hoàn toàn dẹp yên nhà Sassanid, trung tâm của Hồi giáo chuyển sang Baghdad, ngay cạnh cựu đô của Ba Tư. Người Ba Tư cải đạo từ Bái Hỏa giáo sang đạo Hồi, nhưng Hồi giáo nhờ tiếp thu những thành tựu rực rỡ của văn hóa Ba Tư từ triết học, toán học, y học v.v. mà trở thành một nền văn minh lớn.
Nhà sử học Peter Brown từ Princeton viết rằng:
“Đế chế Hồi giáo [Abbasid] giữ vững vị trí như là tinh hoa của sức mạnh phương Đông. Hồi giáo sở hữu định hướng then chốt này không phải là nhờ ở Muhammad, mà cũng không nhờ vào những kẻ chinh phục có khả năng thích ứng của thế kỷ VII, mà là nhờ vào sự nổi lên mạnh mẽ của những truyền thống phương Đông, truyền thống của người Ba Tư trong thế kỷ VIII và IX.”
Ngay cả người Mông Cổ hoang dã cũng không thể ngăn chặn được sức sống của nghệ thuật và văn chương Ba Tư. Thơ ca của Rumi, Iraqi Saadi, và Hafez, tất cả đều đã trỗi dậy và nở rộ sau các cuộc tấn công của Mông Cổ. “Ba Tư, đất nước của những nhà thơ và hoa hồng!”, một nhà ngoại giao và tác giả người Anh sau này đã từng cảm thán như vậy.
Thơ ca Ba Tư giàu tính triết lý, chẳng hạn như ông tổ của thơ ca Ba Tư là Rudaki viết rằng:
Sao nhìn ai anh cũng toàn thấy ác?
Anh hờ hững với nỗi đau người khác.
Xua cái tham, cái hằn học khỏi tim,
Anh sẽ thấy đời cũng không tệ bạc.
Hay là:
Hãy nhìn đời bằng con mắt thông minh.
Đừng cố chấp, nhìn đời qua định kiến.
Đời là biển, muốn vượt qua, xin anh
Hãy tự đóng con tàu bằng việc thiện.
(Thái Bá Tân dịch)
Theo nhà ngôn ngữ học Nicholas Ostler, trong số các dân tộc cổ đại của Trung Đông, chỉ có người Do Thái và người Iran là “có những văn bản và những truyền thống văn hóa đã sống dài lâu cho đến thời hiện đại.”
Trong cuốn sách “Sự minh định của địa lý”, tác giả Robert D. Kaplan viết rằng:
“Mặt khác, người ta từng ghi nhận nhiều lần trong lịch sử của Trung Đông mở rộng rằng chính là nhờ có các nghệ sĩ và các học giả mà văn hóa Ba Tư đã được truyền bá trước tiên vào các nền văn minh ngoại lai sớm, bất luận là với người Abbasid, Ghaznavid, Seljuk không thuộc Ba Tư, Mông Cổ và Mughal. Tiếng Ba Tư, vốn đã trở thành ngôn ngữ của giới quý tộc Mughal, đã được sử dụng để giao tiếp với người Ottoman. Trong thời Trung cổ, người Ba Tư đã không kiểm soát trực tiếp các khu vực từ Bosphorus đến sông Ấn như trước kia trong thời cổ đại, nhưng họ lại chiếm ưu thế đối với nó về mặt văn hóa. ‘Đế chế Iran của trí tuệ’, theo Axworthy, từng là lực lượng có sức liên kết mạnh mẽ, có tác dụng phóng đại thêm vị trí địa lý tuyệt vời của Iran, khiến cho một Đại Iran đã thành một hiện tượng tự nhiên. Arnold Toynbee mặc nhiên công nhận rằng nếu vào thế kỷ XIII Tamerlan đã thành công trong việc liên kết Ba Tư với Trung Á, mối quan hệ giữa Nga và các nước thuộc lưu vực Oxus trong thời hiện đại sẽ bị đảo ngược, và rằng lãnh thổ của Liên Xô do đó sẽ có thể nằm dưới sự quản lý của người Iran từ Samarkand, chứ không phải là của người Nga.”
Quốc dân Ba Tư, sau nhiều thế kỷ bị đô hộ, hoặc đô hộ xứ người, đã hình thành đa chủng tộc. Người Ba Tư, người Azerbaijan, người Kurd, Gilak, Mazandaran, Lur và Baloch v.v… đều thuộc đại gia đình tộc Iran theo bản sắc văn hóa chứ không phải là về huyết thống hay chủng tộc. Đó là nguồn gốc của tư tưởng “Đại dân tộc Iran”. Điều này cũng tương tự như việc các dân tộc Nhu Nhiên, Hồi Hột, Đột Quyết, Tiên Ti, Khương Nhung, Mãn Châu v.v. đều được đồng hóa khi họ xâm nhập khu vực Trung Nguyên của Trung Hoa cổ. Vì vậy, sức mạnh văn hóa của Ba Tư cổ biết đâu lại không nuôi tham vọng cho một số người trong chính giới Iran về một “Giấc mơ Ba Tư” từa tựa với “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình?
Không chỉ có thế mạnh về văn hóa, Iran còn được hậu đãi về vị trí địa lý và tài nguyên
Thế mạnh địa chính trị thứ nhất: địa hình dễ thủ khó công
Iran là một đất nước có diện tích lớn hơn ba nước Pháp, Đức và Anh cộng lại với dân số khoảng 88 triệu người, thuộc loại lớn nhất ở Trung Đông. Hầu hết dân cư sống ở vùng núi; các sa mạc lớn và đồng bằng muối trong nội địa lran không phải là nơi con người có thể sinh sống.
Địa hình Iran dễ thủ khó công, với núi non vây bọc ba mặt, đầm lầy và nước ở mặt thứ tư. Người Mông Cổ là lực lượng cuối cùng có thể tiến vào lãnh thổ này năm 1219-1221, và kể từ đó, không lực lượng nào có thể tồn tại khi cố vượt qua vùng núi non này. Vào thời điểm Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003, ngay cả lực lượng thiện chiến nhất thế giới là Hoa Kỳ, khi xâm nhập Iraq cũng không dám rẽ phải để sang Iran bởi vì họ biết sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Thời đó quân đội Hoa Kỳ đã có câu này: “Chúng ta chịu được sa mạc, nhưng núi thì không.”
Chính cuộc chiến Iran - Iraq năm 1980 là bài học kinh nghiệm cho họ.
Năm ấy, người lraq đã sử dụng sáu sư đoàn để vượt qua sông Shatt al-Arab trong một chiến dịch nhằm thôn tính tỉnh Khuzestan của lran. Họ thậm chí không bao giờ vượt qua được vùng đồng bằng đầm lầy, còn xa mới đến chân dãy núi Zagros. Cuộc chiến sa lầy mất tám năm, lấy đi sinh mạng của ít nhất một triệu người.
Còn không kích từ xa? Chẳng hạn Israel muốn không kích các cơ sở hạt nhân của Iran thì phải vượt qua khoảng cách đường chim bay dài một nghìn dặm và phải qua hai biên giới có chủ quyền của Jordan và Iraq, đồng thời phải có khả năng tiếp liệu nằm ngoài lãnh thổ Israel. Điều này không đơn giản trong bối cảnh hiện nay.
Thế mạnh địa chính trị thứ hai: nhiều mỏ dầu khí và khả năng khống chế vận chuyển dầu khí
Hầu như tất cả dầu và khí đốt tự nhiên từ Trung Đông đều nằm hoặc dọc theo vịnh Ba Tư, hoặc xung quanh biển Caspi. Iran chinh là quốc gia duy nhất nằm trên cả hai khu vực sản xuất này, nó vừa thuộc Trung Á, vừa thuộc Trung Đông, có thể vừa khống chế tuyến đường ống từ biển Caspi đến Địa Trung Hải - sang Nga và Châu Âu; vừa khống chế tuyến đường ống đến Trung Quốc và Ấn Độ Dương. Iran bao quát được toàn bộ vịnh Ba Tư vốn chiếm giữ tới 55% trữ lượng dầu thô thế giới. Iran cũng có khoảng 500 km đường bờ biển trên biển Arab, với cảng Chabahar, gần biên giới với Pakistan. Điều này làm cho các nước Trung Á bắt buộc phải đi qua Iran. Đường bờ biển dài trên vịnh Ba Tư cũng khiến Iran có thể tấn công các emirate Arab tương đối nhỏ yếu phía bên kia vịnh Ba Tư.
Một trong những con át chủ bài của quốc gia này đó là khả năng phong tỏa eo biển Hormuz tại vùng Vịnh nơi mà mỗi ngày khoảng 20% nhu cầu dầu của toàn thế giới đi qua. Khi eo biển này bị đóng cửa, thì giá dầu thế giới sẽ tăng vọt và gây ra ảnh hưởng dây chuyền. Đây là một trong những lý do khiến nhiều nước gây áp lực không để cho Israel hành động.
Sự khôn khéo của lực lượng mật vụ
Iran có một mạng lưới tình báo đáng sợ để duy trì sự ổn định nội bộ trong một quốc gia Hồi giáo nhiều sắc dân. Iran từ lâu đã kiểm soát một mạng lưới không theo thông lệ các lực lượng dân quân tôn giáo trong khu vực, như Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Lebanon và phong trào Mahdi ở Iraq, chưa kể Houthi ở Yemen nổi lên trong thời gian gần đây. Vì sao chính quyền ở các quốc gia ấy không nắm được những lực lượng này mà Iran lại có thể điều khiển họ? Thậm chí Iran còn biết cách khuyến khích các tộc người Sunni bị áp bức biểu tình phản đối các chính phủ đang suy yếu của chính nước họ khiến một số trong đó sụp đổ. Đó chính là chỗ khôn khéo đáng sợ của Iran thông qua các lực lượng mật vụ hoặc tuyên truyền. Hoặc đơn cử như vụ tập kích ngày 7/10/2023 của Hamas có Iran hậu thuẫn mà khiến Israel hoàn toàn bị động, nghĩa là cơ quan tình báo MOSSAD của Israel, vốn được đánh giá cao hơn cả CIA và KGB, cũng bị qua mặt. Dù có thù địch với Iran, các nước trong vùng cũng cần ý thức được khả năng tình báo và địch vận của họ.
Khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân
lran cũng có một nền công nghiệp hạt nhân mà nhiều quốc gia tin rằng đang được sử dụng để chuẩn bị cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Khu vực Trung Đông rùng mình ớn lạnh, người Israel cũng cảm thấy bị đe dọa bởi triển vọng vũ khí hạt nhân của Iran. Đó không chỉ là việc Iran có tiềm năng cạnh tranh với kho vũ khí của Israel và quét sạch Israel chỉ bằng một quả bom hạt nhân: nếu Iran chế tạo được bom hạt nhân, thì có lẽ sẽ kích hoạt một cuộc đua hạt nhân trong vùng. Các đối thủ của Iran là Arab Saudi và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập cũng sẽ cố gắng xoay sở để có bom hạt nhân. Các nước A Rập dù giàu có hơn Iran cũng không có đội ngũ kỹ sư đủ trình độ tiến hành những chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, chắc hẳn sẽ phải nhập khẩu từ Pakistan ở Trung Á. Còn Israel thì càng quyết tâm tấn công Iran như lời thủ tướng Israel là ông Netanyahu hôm 13/1: “Ai nói chúng tôi đang không tấn công Iran, chúng tôi đang tấn công”.
Thật không may là chính quyền ông Biden đang cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã mang lại tiền bạc cho Tehran và vẫn cho phép nước này duy trì các phần quan trọng của chương trình hạt nhân. Chương trình này ngày nay vẫn đang được sử dụng để làm giàu uranium vượt xa mức cần thiết cho mục đích hòa bình.
Iran liệu có thể trở thành một đại bá ở Trung Đông?
Sự can thiệp của chính quyền Iran ngày nay lên khắp Trung Đông cho thấy tham vọng bá quyền trong khu vực của nước này. Dẫu có những lợi thế nhất định, ngày nay Iran vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề. Iran vẫn còn tương đối nghèo do quản lý yếu kém, tham nhũng, địa hình miền núi cản trở các kết nối giao thông và do các biện pháp trừng phạt kinh tế đã phần nào ngăn chặn một số lĩnh vực công nghiệp có thể hiện đại hóa.
Vấn đề lớn nhất có lẽ đó là Iran ngày nay vừa cực đoan lại vừa thù hận. Giới giáo sĩ cực đoan xa rời cái cốt lõi của chính giáo là lòng bác ái, nhưng lại có quyền lực gây ngạt thở, không ngần ngại sử dụng bạo lực để đè bẹp những khát vọng tự do thoáng qua của người dân nước mình, cũng như là vận hành một bộ máy truyền thông sai lệch và gây hận thù. Đối với các quốc gia vùng Trung Đông và đặc biệt với Israel, Iran là một quốc gia gây hấn giấu mặt, khó tin cậy, tất nhiên là không thể yên tâm hợp tác. Với quốc lực hiện tại, Iran không thể theo đuổi lâu dài những hoạt động phá hoại thông qua thao túng các nhóm chiến đấu ủy nhiệm, và các lực lượng dân sự chuyên lật đổ ở khắp Trung Đông, mà không dẫn tới quốc lực kiệt quệ.
Iran ngày nay có lẽ là một nhà nước ít hấp dẫn và ít thuyết phục hơn nhiều so với nền văn hóa Ba Tư được xây dựng nên bởi những đế chế giàu có, thanh bình, có đạo đức và quản trị hiệu quả trong quá khứ như là Achaemenid, Sassanid, Abbasid, Ghaznavi, Safavid v.v.
Sức hấp dẫn của văn hóa không lệ thuộc vào sức mạnh quân sự, nếu không thì những đế chế từng chinh phục Ba Tư đã chẳng bị nền văn hóa này đồng hóa. Nó cũng không nằm ở vũ khí hạt nhân hay tài nguyên dầu khí. Nó nằm ở bản chất nội tại của nền văn hóa đó, chính là đạo đức, trí tuệ và lòng khoan dung… là cái mà ngày nay Iran không kế thừa được từ nền văn minh Ba Tư đã vang bóng một thời. Với đường lối hiện có, phải chăng Iran chỉ muốn trở thành một nỗi sợ hãi hay thù ghét đối với ngoại giới và cả quốc nội, chứ không phải một thế lực được kính trọng và tin cậy ở Trung Đông và trên thế giới?
Phải làm thế nào? Vào mấy nghìn năm trước, đức Khổng Tử ở Trung Hoa đã từng dạy học trò: “Nếu người ta không phục mình thì sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ được yên ổn”.
Hoặc chí ít cũng như thi hào Rudaki, ông tổ thơ ca của Ba Tư, từng viết:
“Người khôn ưa việc tốt, hòa bình.
Thằng ngốc thích chém giết, chiến tranh.”
Hoặc:
“Một kẻ thù đã nhiều tai họa.
Trăm người bạn vẫn còn ít quá.”
Nguyên Vũ