Vì sao Khổng Tử nói: "Không ai mà không tự đắc"
Trong đời người, điều gì là khổ nhất? Nghèo sao? Không phải; Mất ý chí sao? Cũng không phải; Già sao? Chết sao? Đều không phải. Tôi nói, điều khổ nhất trong đời người, không gì khổ bằng mang trên mình một trách nhiệm chưa hoàn thành.
Người nếu biết đủ, dù nghèo cũng không khổ; nếu biết an phận (không mong cầu quá nhiều), dù mất ý chí cũng không khổ; già, bệnh, chết là những điều khó tránh khỏi trong đời người, người đạt quan nhìn nhận rất bình thường, cũng không xem là khổ. Chỉ có điều, phàm là người sống trên đời một ngày, thì có một ngày việc nên làm, việc nên làm mà chưa làm xong, thì giống như có mấy nghìn cân nặng đè trên vai, không gì khổ bằng.
Vì sao vậy? Bởi vì bị lương tâm cắn rứt không thôi, muốn trốn tránh cũng không có chỗ trốn!
Hứa với người ta làm việc gì mà không làm, nợ tiền người ta mà không trả, chịu ơn huệ của người ta mà không báo đáp, đắc tội với người ta mà không xin lỗi, thì ngay cả mặt người ấy cũng gần như không dám gặp; dù không gặp mặt, nằm mơ cũng như có bóng người ấy đến quấn quýt lấy mình. Tại sao vậy? Vì thấy có lỗi với họ, vì trách nhiệm của mình đối với họ vẫn chưa được giải quyết! Không chỉ đối với một người như vậy, mà đối với gia đình, đối với xã hội, đối với đất nước, cho đến đối với bản thân mình, đều như vậy.
Phàm là những người tôi đã chịu ơn, tôi đều có trách nhiệm với họ; phàm là những việc tôi nên làm, mà sức lực có thể làm được, tôi đều có trách nhiệm với việc đó; phàm là những việc do chính mình chủ ý muốn làm, chính là bản thân hiện tại và bản thân tương lai đã lập một loại khế ước, chính là tự mình gia tăng thêm một tầng trách nhiệm đối với bản thân.
Có trách nhiệm này, thì lương tâm sẽ luôn luôn giám sát ở phía sau, một ngày trách nhiệm nên làm mà chưa làm, đến đêm chính là sống những ngày tháng đau khổ. Cả đời trách nhiệm nên làm mà chưa làm, thì chết cũng mang theo đau khổ xuống mồ. Cái khổ này lại không giống như cái nghèo, cái bệnh, cái già, cái chết thông thường, có thể dùng cách nhìn lạc quan để giải tỏa. Cho nên tôi nói, cuộc sống không có đau khổ thì thôi; nếu có đau khổ, dĩ nhiên không có gì nặng nề hơn điều này.
Ngẫm nghĩ kỹ, điều gì là hạnh phúc nhất? Hoàn thành trách nhiệm tự nhiên là niềm vui đầu tiên trong đời người. Cổ nhân có câu: "Như trút được gánh nặng"; người đời cũng nói "Tâm như trút được tảng đá". Lúc này đây, cảm giác nhẹ nhõm, vui sướng ấy thật khó có thể diễn tả bằng lời. Năng lực càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, thời gian gánh vác trách nhiệm càng dài, đến khi hoàn thành, lòng thanh thản, nhẹ nhõm, niềm vui ấy càng tăng lên gấp bội.
Đại để việc đời, niềm vui có được từ gian khổ, mới chính là niềm vui đích thực. Đời người phải biết đến nỗi khổ khi gánh vác trách nhiệm, mới hiểu được niềm vui khi hoàn thành bổn phận. Sự tuần hoàn khổ - lạc này chính là một thú vị của cuộc sống đầy sức sống này. Trái lại, nếu không làm tròn trách nhiệm, bị lương tâm cắn rứt, những nỗi khổ ấy đều là tự mình chuốc lấy.
Ngược lại, chỗ nào cũng làm tròn trách nhiệm, thì chỗ nào cũng có niềm vui; lúc nào cũng làm tròn trách nhiệm, thì lúc nào cũng có niềm vui. Quyền năng của hạnh phúc, nằm trong tay mình. Chính vì lẽ đó mà Khổng Tử nói "Không ai mà không tự đắc", ý chính là như vậy.
Vậy thì tại sao Mạnh Tử lại nói "Quân tử có mối lo cả đời"? Bởi vì càng là bậc thánh hiền, hào kiệt, thì trách nhiệm gánh vác càng nặng nề; hơn nữa, họ thường tự đặt lên vai mình muôn vàn trách nhiệm, gánh nặng trên vai không lúc nào được buông xuống.
Tăng Tử cũng đã nói: "Trách nhiệm nặng nề mà con đường phía trước thì xa vời... đến chết mới thôi, chẳng phải là xa lắm sao?". Những người nhân nghĩa lo cho dân, lo cho nước, những bậc thánh, bậc Phật thương xót trời đất, thương xót con người, cho dù cả đời phải chịu đựng đau khổ, thì cũng cam lòng. Bởi vì ngày ngày họ hoàn thành trách nhiệm, thì ngày ngày họ đều tìm được niềm vui đích thực trong gian khổ. Cho nên, nói cho cùng họ vẫn là vui vẻ, chứ không phải đau khổ!
Có người nói: "Vì nỗi khổ này sinh ra từ trách nhiệm, nếu tôi trút bỏ trách nhiệm, chẳng phải sẽ không bao giờ có khổ nữa sao?". Điều này không đúng. Trách nhiệm phải được giải quyết thì mới hết, chứ không phải trút bỏ là hết.
Nếu cuộc đời con người có thể mãi mãi giống như những đứa trẻ hai, ba tuổi, vốn dĩ không có trách nhiệm, thì vốn dĩ không có khổ. Đến khi trưởng thành, trách nhiệm tự nhiên đè nặng trên vai, làm sao có thể trốn tránh? Chỉ có sự khác biệt lớn nhỏ mà thôi. Gánh vác được trách nhiệm lớn, thì có được niềm vui lớn; gánh vác được trách nhiệm nhỏ, thì có được niềm vui nhỏ. Nếu muốn trốn tránh, chẳng khác nào tự gieo mình xuống biển khổ, vĩnh viễn không thể giải thoát.
Theo Secretchina
Minh Nguyệt