Vì sao Lưu Bị đại thắng khi có 500 quân, nhưng bại trận khi dùng 75 vạn quân?

Vì sao Lưu Bị đại thắng khi có 500 quân, nhưng bại trận khi dùng 75 vạn quân?
Lưu Bị đại thắng khi có 500 quân, nhưng bại trận khi dùng 75 vạn quân, bài học đáng suy ngẫm. (Ảnh: Public Domain)

Lưu Bị khởi sự ở Trác Quận, được Trương đại hộ trợ giúp chiêu mộ được 500 tráng sĩ. Lưu, Quan, Trương dẫn 500 người này đến Trác Quận trợ chiến, đúng lúc này giặc Khăn Vàng do Trình Viễn Chí chỉ huy 5 vạn quân đến đánh, không biết Thái thú Lưu Yên là thật sự không có quân hay là muốn đẩy Lưu Bị vào chỗ chết, vậy mà không hề chi viện một binh một tốt, cứ để Lưu Bị dẫn 500 quân này ra nghênh chiến 5 vạn quân Khăn Vàng.

Lưu Bị đúng là gặp vận may, lại thêm các huynh đệ rất ra sức, Trương Phi một thương đâm chết Đặng Mậu, Quan Vũ một đao chém Trình Viễn Chí, 5 vạn quân Hoàng Cân lập tức tan tác như chim muông, chạy trốn tứ tán, hơn nữa số người đầu hàng nhiều vô kể. Lưu Bị quả là người nhân từ, một tên lính đầu hàng cũng không nhận, không hề nhân cơ hội này để mở rộng thực lực của mình. Thực ra Lưu Bị cũng không nuôi nổi số người này, số tiền mà Trương đại hộ quyên góp, cũng chỉ đủ cho 500 người ăn uống sinh hoạt hàng ngày.

Lưu Yên sau khi thu nhận hàng binh thì làm một việc hào phóng, phái Trâu Tĩnh dẫn 5000 quân hỗ trợ Lưu Bị đến Thanh Châu giúp đỡ Thái thú Cung Cảnh. Lúc này Lưu Bị vẫn chỉ mang theo 500 quân, có một điều: Lưu Bị với 500 quân đánh tan 5 vạn quân Hoàng Cân, 500 quân của ông ta làm sao có thể không hề hấn gì? Có lẽ những binh sĩ tử trận đã được thay thế ngay tại chỗ, tóm lại, Lưu Bị chỉ có thể mang theo 500 người, nhiều hơn thì không được, đủ 500 người chắc hẳn cũng không khó.

Tuy nhiên, trên thực tế, người thực sự chỉ huy 5.500 quân này vẫn là Lưu Bị. Khi giải vây Thanh Châu, Lưu Bị đã lệnh cho Quan Vũ và Trương Phi mỗi người dẫn khoảng 1.000 quân đánh kẹp, đại phá quân Khăn Vàng. Theo nghĩa này, Lưu Bị hoàn toàn có khả năng chỉ huy đội quân cấp 5.000 người. Sau đó, Lưu Bị từ huyện Bình Nguyên cứu Bắc Hải đã dẫn theo 3.000 quân, cứu Từ Châu lại mượn thêm 2.000 quân từ Công Tôn Toản, tổng cộng vẫn là 5.000 quân. Lưu Bị dựa vào 5.000 quân và may mắn đã cứu được Đào Khiêm, có vẻ như Lưu Bị chỉ huy 5.000 quân là điều dễ dàng.

Lưu Bị chiếm được Từ Châu, Từ Châu là một quận lớn, trong thành có mấy vạn người ngựa, Lưu Bị với tư cách là chủ nhân của Từ Châu, cũng có thể chỉ huy mấy vạn người ngựa này. Về sau, Tào Tháo mượn lời thiên tử, xúi giục Lưu Bị tấn công Viên Thuật, Lưu Bị thống lĩnh 3 vạn quân mã bộ binh xuất chiến, đánh cho Kỷ Linh không dám ra trận. Điều này cho thấy Lưu Bị chỉ huy 3 vạn quân mã đánh thắng trận, cũng không có vấn đề gì.

Sau trận Xích Bích, Lưu Bị dẫn 3 vạn quân vào đất Thục, chiếm được Ích Châu, lực lượng quân mã của Lưu Bị lần đầu tiên vượt quá mười vạn. Dĩ nhiên, lúc này Lưu Bị dưới trướng có hàng chục vị tướng tài mưu sĩ, việc chỉ huy mười mấy vạn quân mã này đương nhiên không thành vấn đề. Lưu Bị dẫn quân đánh chiếm Hán Trung có thể nói là chiến tích đáng tự hào của ông, mà quân số đánh chiếm Hán Trung cũng không vượt quá mười vạn.

Tiếc thay, giống như trận Xích Bích của Tào Tháo, trận Di Lăng là lần đầu tiên Lưu Bị thống lĩnh một đội quân hàng chục vạn người, nhưng lại thua thảm hại. Đội quân hùng hậu 75 vạn người đã bị thiêu rụi dưới ngọn lửa của Lục Tốn. Trận chiến này khiến quân Thục tổn thất nặng nề, đến mức Thục quốc không bao giờ có thể tổ chức được một đội quân hùng mạnh như vậy nữa.

Lưu Bang từng hỏi Hàn Tín rằng: "Khanh xem ta có thể thống lĩnh được bao nhiêu binh mã?". Hàn Tín đáp: "Chủ công có thể thống lĩnh được 10 vạn quân." Lưu Bang lại hỏi: "Vậy khanh có thể thống lĩnh được bao nhiêu?" Hàn Tín đáp: "Càng nhiều càng tốt." Lưu Bang cả đời chinh chiến, chỉ có thể thống lĩnh 10 vạn quân, Lưu Bị cũng được coi là một đời anh hùng, nhưng về năng lực thống lĩnh quân đội, lại không vượt qua được vị tổ tiên này của mình.

Sự khác biệt giữa tướng soái và tướng lĩnh nằm ở chỗ này: tướng soái quan tâm nhiều hơn đến toàn bộ cục diện chiến tranh và chiến lược triển khai, trong khi tướng lĩnh tập trung năng lượng vào việc sử dụng binh lính để hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật. Do đó, người thống soái tuyệt đối không được làm những việc mà tướng lĩnh làm, nếu không sẽ chết rất thảm. Tào Tháo ở bên bờ sông Trường Giang trực tiếp chỉ huy 83 vạn đại quân, vừa làm thơ, vừa uống rượu, đắc ý vô cùng. Nhưng ông ta cũng phạm sai lầm là trực tiếp quản lý đại quân. Nếu lúc đó Tào Tháo không ở chiến trường Xích Bích, mà đứng ngoài cuộc nhìn nhận toàn bộ cục diện, e rằng sẽ không thua thảm như vậy.

Nhìn vào việc triển khai lực lượng ở Xích Bích, quân Tào có 80 vạn, trong khi liên quân Tôn - Lưu cộng lại chỉ có hơn mười vạn. Nếu quân Tào đóng quân dọc bờ sông chia làm ba doanh trại lớn, thì bất kỳ doanh trại nào cũng đủ sức cân tài cân sức với liên quân Tôn - Lưu, vậy thì Chu Du không thể nào dùng một mồi lửa mà giải quyết được vấn đề. Nếu Tào Tháo không có mặt tại hiện trường, thì không ai có thể độc lập thống lĩnh 83 vạn quân này, vậy thì quân Tào chắc chắn phải chia thành các doanh trại nhỏ, một khi 83 vạn quân này bị chia cắt, liên quân Tôn - Lưu chắc chắn sẽ cầm chắc cái chết. Nhưng vấn đề là Tào Tháo đang ở trong doanh trại lớn, Tào Tháo dù sao cũng không phải là Hàn Tín, 83 vạn đại quân đối với ông ta quả thực là quá nhiều.

Quản lý một công ty cũng tương tự như vậy. Khi công ty mới thành lập, số lượng nhân viên còn ít, một mình tổng giám đốc có thể quán xuyến toàn bộ. Nhưng khi công ty phát triển, nhân viên ngày càng nhiều, chúng ta buộc phải lên kế hoạch lại cơ cấu tổ chức của công ty, áp dụng quản lý phân cấp để nâng cao hiệu quả quản lý. Trong giới quản lý có một tỷ lệ vàng bất thành văn là 1:6. Người ta cho rằng một người trực tiếp quản lý sáu người là cơ cấu quản lý hiệu quả nhất. Khi số lượng cấp dưới của bạn vượt quá bội số của sáu, bạn nên cân nhắc việc có nên thêm một bộ phận nữa hay không.

Là người quản lý cấp cao nhất của công ty, bạn chỉ cần nắm chắc các trưởng bộ phận của một số phòng ban chủ chốt, còn những việc cụ thể hãy giao cho họ làm, bạn can thiệp vào mọi việc sẽ chỉ khiến cấp dưới trở nên lúng túng. Giống như khi Tào Tháo chỉ huy trận chiến Xích Bích, chắc chắn những thuộc hạ tài giỏi của ông ta đều đang ngủ say, trong lòng họ nghĩ: "Dù sao cũng có lão già ở đây tự mình chỉ huy, trời sập xuống có ông ta đỡ, chúng ta cứ ít nói, nói nhiều lại rước họa vào thân." Khi bạn bận tối mắt tối mũi, còn cấp dưới của bạn lại đang ngủ gật, xem trò cười, thì ngày tàn của bạn cũng sắp đến rồi.

Nếu vị giám đốc điều hành nào của một công ty quy mô vài trăm người mà muốn học theo Lưu Bị hoặc Tào Tháo, tự mình trực tiếp quản lý tất cả mọi việc lớn nhỏ, thì chẳng khác nào tự rước lấy thất bại thảm hại như "Hỏa thiêu liên doanh" hay "Hỏa thiêu Xích Bích".

Theo Aboluowang
Minh Nguyệt

Đọc tiếp