Vì sao người đời cứ mãi lẫn lộn điềm dữ với điềm lành

Vì sao người đời cứ mãi lẫn lộn điềm dữ với điềm lành
Vì sao người đời cứ mãi lẫn lộn điềm dữ với điềm lành. (Ảnh: Public Domain)

Hồng trần là bến mê, vậy nên từ xưa con người đã tìm cách xin lời giải từ thiên thượng. Tuy nhiên thiên thượng không thể nói trắng rành rành câu trả lời ra cho con người được, vậy thì bến mê sẽ bị phá mất, hồng trần lại hóa ra như thiên thượng, con người ta sẽ không ngộ đạo và giải thoát khỏi hồng trần. Do đó các hình thức thuật số, chiêm bốc, bói toán v.v… chính là hình thức mà con người lấy mật mã gợi ý từ thiên thượng, để rồi mày mò giải mã.

Cũng giống như chúng ta chụp ảnh, thu âm kỹ thuật số. File kỹ thuật số đó không phải hình ảnh, âm thanh chân thực, nhưng qua các công cụ hiệu chỉnh và thuật toán phục dựng, chúng ta sẽ có thể cảm thụ về hình ảnh, âm thanh. Công cụ và thuật toán mà tốt thì hình ảnh và âm thanh sẽ càng chân thực, cũng như thầy bói mà đạo hạnh cao thâm, cảm ứng đất trời thì sẽ dự đoán càng chính xác.

Trên đầu ba thước có thần linh, vậy nên từ kẻ sỹ đến đế vương, linh cơ hễ động thì sẽ có tín hiệu, điềm báo. Tuy nhiên, người nông cạn thì tốt sẽ diễn giải thành xấu, kẻ nịnh bợ thì xấu nói thành tốt.

1. Sách “Dung Trai tùng thoại” của học giả Thành Hiện người Triều Tiên cuối thế kỷ 15 có ghi chép lại câu chuyện như sau:

Ba nho sinh chuẩn bị đến trường thi. Một người nằm mơ thấy chiếc gương bị rơi xuống đất, một người nằm mơ thấy hình nhân treo lủng lẳng trên khung cửa, một người nằm mơ thấy gió thổi làm rụng hoa. Thế là, cả ba nho sinh đi tới nhà người giải mộng.

Nhưng hôm đó, người giải mộng đi vắng, chỉ có con trai của ông ở nhà. Ba nho sinh bèn hỏi người con thì anh ta nói rằng : Các vị đều mơ thấy điều xấu, vậy là không thỏa nguyện.

Lát sau, người giải mộng trở về, sau khi nghe thuật lại, ông đã mắng con một trận rồi làm bài thơ như sau :

Ngải phu nhân sở vọng,
Kính lạc há vô thanh,
Hoa lạc ưng hữu thực
Tam tử cộng thành danh.

Tạm dịch nghĩa là :

Hình người đưa lên cao,
Gương rơi tạo tiếng vang,
Hoa rụng rồi kết trái
Ba kẻ đều thênh thang.

Quả nhiên, kỳ thi năm ấy, cả ba nho sinh đều đỗ. Con trai người giải mộng vì trình độ hữu hạn, chỉ để mắt vào bề mặt mà suy đoán, nên đã không thể giải mã chính xác.

2. Thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, phát hiện được tảng đá có đồ hình lân phụng long mã rất đẹp, nhiều quan chức xúm vào tán tụng, nên vua bèn ban chiếu thư bố cáo thiên hạ nói rằng đây là điềm lành.

Trương Tiến, một ẩn sĩ nổi tiếng, người mà sử sách ghi chép sống đến 104 tuổi, nghe chuyện xong bèn nói : “Thần minh chỉ nói tương lai, không truy quá khứ. Trước là ban dấu hiệu, sau thì hưng thịnh và suy bại còn tùy diễn biến. Hán triều diệt vong đã lâu, Tào Ngụy được thiên hạ rồi giờ còn hiện ra điềm lành làm chi. Ấy là điềm lành ở tương lai thôi.”

Quả nhiên không bao lâu thì họ Tư Mã thay thế Tào Ngụy.

3. Chim khách thường là báo điềm lành, gọi là hỷ thước. Nhưng cũng không hoàn toàn là vậy

Cung điện đền đài nếu như có chim khách lông đen đến làm tổ thì là điềm khách lấn chủ, họ khác lên ngôi vua.

Ngụy Minh Đế Tào Duệ khi xây Lăng Tiêu Các, vua Lý Cao Tông của Đại Việt khi xây Kính Thiên Các đều gặp sự việc đó. Các quan khuyên phải tu đức xét mình nhưng Ngụy Minh Đế và Lý Cao Tông đều tận tình hưởng lạc, cuối cùng triều đại mất không lâu sau.

Đến thời vua Đường Thái Tông, từng có mấy con chim khách lông trắng làm tổ trên mái của Tẩm điện. Thú vị là hai cái tổ chim khác nhau lại chập lại làm một, có hình dạng trông như cái trống cơm, hai đầu thì to còn ở giữa thắt nhỏ lại. Các quan lại đều ngợi khen, cho rằng ấy là điềm lành: “Thông thường những thứ cùng hoạt động cạnh tranh với nhau là không thể dung hợp lẫn nhau. Giờ đây hai con chim khách làm tổ, hai tổ chim ấy đã kết hợp thành một với hình dáng thật đặc biệt. Điều này thật là phi thường – là điềm báo của sự hòa hợp Thiên Địa Nhân, là dấu hiệu cho thấy đại đức của Hoàng thượng. Chúng ta nên làm lễ mừng sự kiện này”.

Đường Thái Tông nói: “Ta thường chê cười vua nhà Tùy không thích người hiền tài mà lại thích thấy điềm lành, đến nỗi mất nước. Theo ta thấy, chỉ có chiêu nạp được hiền thần, quản lý việc chính sự cho tốt, làm cho dân chúng an cư lạc nghiệp và thiên hạ được thái bình, ấy mới là điềm lành thực sự. Còn như những thứ chim hay thú lạ, chẳng qua chỉ là một thứ dị thường, có gì đáng gọi là điềm lành chứ!” Vậy là vua bèn sai người phá tổ chim, bắt chim thả ra ngoài.

Tuy vậy thời Đường Thái Tông đúng là cực thịnh, khiến người ta phân vân, vậy rốt cuộc có đúng chim khách trắng là điềm lành chăng?

Thực ra ở đây vẫn có đạo lý sâu xa. Trời ban cho con người dấu hiệu, nhưng cách mà con người tiếp thụ và lựa chọn mới là thứ quyết định kết quả. Điềm lành hay điềm dữ thực ra đều để khảo nghiệm con người. Ngoài ra cái gọi là tốt - xấu, lành - dữ nếu là do con người đứng ở trong truy cầu, dục vọng của bản thân để đo lường, nhận định, thì không chắc đã chính xác.

Người ta xem tướng ngựa Đích Lô thấy “có quầng mắt, trên đầu có những đốm trắng, lại tên Đích Lô, ắt là con ngựa sát chủ”, nhưng Lưu Bị không bỏ mà vẫn dùng. Kết quả chính con ngựa đó đã nhảy vượt Đàn Khê cứu Lưu Bị khỏi sự truy sát của kẻ thù. Có thể thấy con ngựa Đích Lô là vật không lành với tất cả mọi người trừ Lưu Bị, bởi những người khác không có tài đức của Lưu Bị.

Triệu Phụ Hòa thời Đông Ngụy rất tinh thông Kinh Dịch. Một lần đại thần Cao Trừng của Đông Ngụy muốn tìm nơi an táng cha mình, bèn cho các quan thăm dò. Đến một vùng đất, gieo được quẻ Cách, các quan đều cho là hung, không tốt, riêng Triệu Phụ Hòa lúc đó còn trẻ đã bước ra nói: “Thoán từ của quẻ Cách là ‘Thang Vũ cách mạng, ứng thiên thuận nhân’ (vua Thang, vua Vũ thay đổi triều đại, ứng với ý trời thuận với lòng người). Quẻ Cách đối với mọi người trong thiên hạ là hung, duy đối với vương gia là đại cát.” 

Cao Trừng nghe theo, sau này con cháu ông lập ra triều đại Bắc Tề, truy tôn ông là Văn Tương Hoàng Đế. Có thể thấy Cao Trừng đã lựa chọn vai trò và sứ mệnh của mình, ông chọn cho mình tầm vóc hoàng đế, vậy nên ắt không thể so đo được mất, sướng khổ giống như người thường được, từ đó mà ông có tầm nhìn và nhận thức khác.

Lại một lần, có người bệnh, người nhà bèn tìm thầy bói gieo quẻ xem diễn biến ra sao. Thầy bói gieo được quẻ Thái, bèn cho là tốt. Triệu Phụ Hòa nói: “Quẻ Thái là Khôn trên Càn dưới, đất trên trời dưới, người này sắp chôn xuống rồi, tốt ở đâu?”. Quả nhiên không lâu sau người bệnh qua đời.

Ở đây, thực ra cả thầy bói lẫn Triệu Phụ Hòa đều không sai.

Thực ra, Kinh Dịch nói riêng và bói toán nói chung đều có một lý, đó là tuần hoàn của đạo trời là bất tận khôn cùng, hết Bác lại Phục, hết Bĩ lại Thái, mà trong Bác cũng có Phục, trong Bĩ cũng có Thái. Không có cái gì là tuyệt đối tốt hay tuyệt đối xấu, tất cả là do cơ điểm, tầm nhìn của con người mà ra. Người chết, theo nhận thức của người thân thì là xấu, nhưng trong nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng thì lại thấy là tốt. Người đó trả hết nợ đời này, rời đi sống một cuộc đời mới, hoặc có thể đến thiên đường, miền cực lạc - điều này người ở lại trong mê sao có thể biết?

Hữu Đức