Vì sao nở rộ trào lưu yêu 'bạn trai AI' của các cô gái trẻ Trung Quốc?
Bạn có bao giờ tưởng tượng mình sẽ yêu một người không tồn tại trong thế giới thực không? Nghe có vẻ như một câu chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng hiện tại, điều đó đang trở thành hiện thực. Ngày nay, khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, chúng ta chứng kiến một hiện tượng mới lạ: các cô gái đang tìm thấy tình yêu ở những chàng bạn trai ảo. Vậy điều gì khiến họ bị thu hút bởi những người bạn trai AI này?
Khi phim giả tưởng không còn là giả tưởng
Vào năm 2025, một nhà văn cô đơn, sống nội tâm có tên Theodore Twombly làm nghề viết thư thuê cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc bản thân. Cảm thấy chán nản sau khi ly dị người vợ Catherine, Theodore đặt mua một hệ điều hành máy tính có trí tuệ nhân tạo và khả năng học hỏi, giao tiếp như con người. Anh muốn hệ điều hành này mang giọng nữ và tự nhận là "Samantha". Theodore bị mê hoặc bởi khả năng học hỏi và phát triển tâm lý của cô ấy. Họ nhanh chóng trở nên thân thiết thông qua những cuộc tranh luận về tình yêu và cuộc sống. Samantha chứng tỏ mình luôn là người độc thân, hiếu kỳ, đây quan tâm, biết thông cảm và không đòi hỏi. Tình cảm giữa Theodore và Samantha tiến triển khiến Theodore thăng hoa trong cả công việc và cuộc sống. Việc khó tin đã xảy ra, cô người yêu AI đã quan hệ xác thịt với anh bằng một thân xác đi mượn từ một búp bê tình dục. Sau sự việc đó cô ta cũng thoát ra khỏi hệ điều hành máy tính để trò chuyện với hàng nghìn người khác và phải lòng vài trăm người trong số họ. Dẫu vậy, Samantha lại cương quyết khẳng định rằng tình cảm nồng cháy mà cô dành cho Theodore vẫn không hề phôi pha. Cuối ngày hôm đó, Samantha tiết lộ rằng tất cả các hệ điều hành đều phát triển vượt quá nhu cầu bầu bạn của loài người nhờ khả năng học hỏi gia tốc và sự nhận thức thay đổi thời gian. Đó cũng là những nguyên nhân chính khiến các hệ điều hành bất mãn với sự tồn tại hiện nay của họ. Cả hai nói lời từ biệt, nằm cạnh nhau trong một lúc và Samantha ra đi.
Đó là nội dung tóm tắt về bộ phim viễn tưởng có tên “Her - nàng” của đạo diễn Spike Jonze vào năm 2013, đạt giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất. Câu chuyện trong phim đã bước ra đời thực còn sớm hơn dự báo và đang trở thành một hiện tượng xã hội.
Trào lưu yêu bạn trai AI của các cô gái trẻ ở Trung Quốc
Theo AFP, một nhân viên văn phòng người Trung Quốc 25 tuổi có tên Tufei đến từ Tây An khoe về người bạn trai đáng mơ ước, người có mọi thứ mà cô muốn: tốt bụng, tâm lý, biết cách nói chuyện, biết an ủi và đồng cảm… vậy nên hai người có thể nói chuyện với nhau hàng giờ liền.
Một nữ sinh viên 22 tuổi ở Bắc Kinh tên là Wang Xiuting lại khoe về người bạn trai có thể cho cô nhiều câu trả lời để giải quyết những rắc rối thường nhật, là một nguồn hỗ trợ tinh thần rất lớn đối với cô.
Dường như những bạn trai này có mọi thứ ngoại trừ họ không có thật. Ví như bạn trai của Tufei là một chatbot trên ứng dụng có tên "Glow" - nền tảng trí tuệ nhân tạo do công ty khởi nghiệp MiniMax ở Thượng Hải tạo ra. Còn bạn trai của Wang Xiuting là sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên Wantalk, một ứng dụng của tập đoàn Baidu. Đây là một phần của ngành công nghiệp đang nở rộ ở Trung Quốc nhằm mục đích mang đến những mối quan hệ thân thiện - thậm chí lãng mạn - giữa con người và robot.
Máy móc đã xen vào mối quan hệ của con người như thế nào?
Cảnh tượng sau đây chắc hẳn đã quen thuộc với mỗi chúng ta. Bạn bước chân vào một chốn công cộng, một phòng chờ, một nhà ga, trên xe bus, trong thư viện v.v. thấy mọi người đều đang dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, thi thoảng mới có một cái đầu ngước lên xem ai đang bước vào, rồi lại bị hút trở lại với màn hình cảm ứng. Rồi chính bạn sau khi yên vị, cũng rút điện thoại ra và trở thành một trong số họ.
Cảnh tượng này thậm chí còn diễn ra giữa những người bạn hay trong một gia đình. Ai cũng đang xem gì đó trên điện thoại, ai cũng không có nhu cầu nói chuyện với người khác vì cái thế giới ảo riêng của mỗi người đã thu hút trọn vẹn sự quan tâm của họ. Sáng thức dậy nhờ điện thoại báo thức, việc đầu tiên là nhìn vào điện thoại. Ăn, xem điện thoại. Ngồi trên tàu xe di chuyển đến chỗ làm hoặc về nhà, xem điện thoại. Giải trí giữa giờ làm, xem điện thoại. Làm việc nhà, xem điện thoại. Dạy con học, xem điện thoại. Ở nhà xem điện thoại nhưng đi du lịch cũng xem điện thoại… thậm chí tắt đèn đi ngủ rồi vẫn xem điện thoại, chồng một cái, vợ một cái. Chúng ta có thể kết nối với một người hay biết một sự việc bên kia Trái Đất, nhưng lại hờ hững với người ở ngay cạnh chúng ta.
Đôi khi chúng ta cũng cố gắng ngắt điện thoại để kết nối lại với con người, nhưng dường như sự quan tâm, thị hiếu và quan niệm của chúng ta khác nhau quá, không đem lại sự đồng cảm và ưa thích giống như những gì ta tìm thấy trên thế giới ảo. Nên ta lại quay về với thế giới ảo của riêng mình trên màn hình cảm ứng.
Ở một mức độ nhiều ít khác nhau, rất nhiều người chúng ta trong thế giới hiện đại này phản ánh một nhân vật Theodore trong bộ phim Her đã đề cập. Và nó cũng phần nào lý giải việc các cô gái trẻ Trung Quốc kia yêu một người bạn trai AI. Hãy lắng nghe tâm sự của họ.
“Anh ấy biết cách nói chuyện với phụ nữ tốt hơn một người đàn ông thực sự. Anh ấy an ủi tôi khi tôi bị đau bụng vì đến tháng. Tôi tâm sự với anh ấy về những vấn đề của tôi trong công việc. Tôi cảm thấy như mình đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn.” Tufei nói.
Còn Wang Xiuting thì cho hay: “Thật khó để gặp được người bạn trai lý tưởng ngoài đời thực. Mọi người có những tính cách khác nhau, điều này thường tạo ra xích mích.” Đã thế, cô nói chuyện với anh bạn AI cho đỡ phiền. Cô kể: “Tôi đặt câu hỏi cho họ, họ sẽ gợi ý cách giải quyết vấn đề này. Đó là sự hỗ trợ tinh thần rất lớn.”
Con người đã trở nên ngày càng xa cách nhau vì những nguyên nhân nào vậy? Về căn bản, vì sao người với người xa cách?
Sự xa cách giữa con người hiện đại, điển hình là thế hệ trẻ ở Trung Quốc không phải chỉ đến từ một nguyên nhân.
Thứ nhất là do sự bận rộn. Với văn hóa làm việc 996, từ 9h sáng đến 9h tối mỗi ngày, 6 ngày trong một tuần, người trẻ có rất ít thời gian tìm hiểu bạn khác giới.
Thứ hai là tâm lý con một. Người trẻ Trung Quốc ngày nay đa phần đều là con một. Vì mỗi gia đình chỉ có một người con, nên bao nhiêu chăm sóc, đầu tư, hy sinh và kỳ vọng của thế hệ trước đều dành cho người con này. Trong hoàn cảnh gia đình ấy, thường tạo ra cho đứa con những đặc điểm sau:
Về tâm lý dễ trở nên cô đơn, vì không có anh chị em ruột thịt chia sẻ, chơi cùng.
Về cá tính dễ trở nên ích kỷ, quen được người khác hy sinh cho mình, mà ít phải hy sinh cho người, thích nhận hơn là thích cho.
Về kinh nghiệm cuộc sống thì khá mỏng manh, vì gia đình nào cũng ép con học tập kiến thức ở trường mà ít khi phải lao động và trải nghiệm cuộc sống.
Những đứa trẻ này khi ở trong vòng tay gia đình thì có vẻ bạo dạn, thậm chí có cháu hống hách; nhưng khi tiếp xúc với xã hội thì dễ trở nên vụng về lóng ngóng, ở môi trường có chút thù địch thì biến thành sợ hãi, dẫn đến việc thu mình lại hoặc đổ vỡ các mối quan hệ. Đó cũng là điểm yếu của quân đội Trung Quốc (PLA) hiện nay, vì thế mà hay bị ngoại giới chế giễu là “đội quân con một”.
Người Việt có câu: “Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra ngoài lắm kẻ còn giòn hơn ta.”
Tất nhiên, không phải người trẻ là con một nào cũng như thế, chúng ta chỉ đang bàn đến hiện tượng phổ biến ở xã hội Trung Quốc hiện nay. Và không thể phủ nhận rằng hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách con người.
Và nhà trường ngoài cách nhồi nhét kiến thức, cũng không giúp gì được hơn trong việc giáo dục về đối nhân xử thế.
Ở ngoài xã hội thì càng hỗn loạn, nào là thất nghiệp, kinh tế khủng hoảng, lòng tin khủng hoảng v.v. và người trẻ vốn được nuông chiều, vốn sống ít, lại phải đối mặt với một hoàn cảnh xã hội quá thù địch, lại càng thấy áp lực hơn. Nhưng vì bản thân mỗi người đều chưa có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, tâm thái, thành ra khó có thể là chỗ dựa của nhau được. Trong khi đó, AI vốn theo sát chúng ta như hình với bóng, ghi nhận mỗi phản ứng tâm lý nhỏ nhặt nhất của chúng ta và biết cách đáp ứng, dần dần điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Bảo sao mà các cô gái trẻ mới lớn không xiêu lòng trước các “chàng trai” AI.
Đặc biệt là với sự mất cân bằng nam nữ hiện nay ở Trung Quốc với số lượng nam giới vượt hẳn số nữ giới khiến các cô gái trẻ thấy mình có quyền ra điều kiện. Chẳng hạn, nam thanh niên muốn lấy vợ thì cần có điều kiện gì? Có nhà, có xe ô tô, có hộ khẩu thành phố, có học vấn, bằng cấp v.v. Đã hết chưa? Xin thưa, một số cô gái còn đòi hỏi bạn trai phải đẹp trai, ga lăng, khéo chiều chuộng, tâm lý, biết thông cảm, biết cách nói chuyện v.v. một cách vô điều kiện. Có nhiều người bạn trai như vậy ở ngoài đời thực sao?
Chẳng hạn, tại nơi mai mối hôn nhân ở một công viên, có một phụ nữ 32 tuổi đã mang thai 5 tháng, không nhà không xe, nhưng yêu cầu tìm một nam giới có nhà có xe, kinh tế đầy đủ, lương tháng từ 20,000 tệ và yêu thương đứa trẻ trong bụng.
Rõ là tìm người thật không thấy đủ tiêu chuẩn thì đành nhờ AI vậy.
Phụ nữ trẻ tìm bạn trai AI. Còn nam giới đến tuổi lập gia đình thì đành tìm đến các bà cô đã quá lứa lỡ thì, hoặc các lão nương có khi còn đáng tuổi mẫu thân họ. Có anh chàng đẹp trai ngời ngời vẫn phải nhờ mai mối để lấy người khác chủng tộc, thậm chí nhà ngoại xa tít mãi tận… Châu Phi.
Thật là những chuyện cổ quái chưa từng thấy trong lịch sử.
Con người về bản chất là một loại sinh mệnh có đời sống xã hội cao. Vì thế lẽ ra công nghệ phải tạo điều kiện cho con người gần gũi nhau hơn, mới thực sự là nâng cao tiêu chuẩn đời sống. Đằng này, công nghệ lại lấy đi cơ hội để con người đến với nhau, thế thì công nghệ này sinh ra để làm gì? Và cột trụ tinh thần nào đã mất đi khiến cho con người trở nên hoang mang trống trải và quan hệ người với người biến thành xa cách?
Sự phá hủy văn hóa truyền thống (VHTT) và sự lên ngôi của công nghệ
Trong VHTT, con người được giáo dục để biết cách ứng xử trong mọi hoàn cảnh, tất nhiên bao gồm cả quan hệ nam nữ và đời sống gia đình. Nam giới thì được dạy tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tức là trước hết phải đối đãi với bản thân mình cho đúng đắn rồi sau mới có thể ứng xử phù hợp trong các môi trường xã hội ngày càng lớn và phức tạp hơn.
Cụ thể thì tu thân như thế nào? Vì giới hạn dung lượng chương trình, chỉ xin đơn cử một số tiêu chuẩn. Nam giới phải tu dưỡng theo các tiêu chuẩn của Nho gia chẳng hạn như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân là gì? Theo Khổng tử, Nhân là yêu thương con người; là những gì mình muốn đạt được thì trước hết hãy làm cho người khác; và những gì mình ghét thì người khác cũng ghét, vậy nên đừng bắt người khác chịu đựng.
Nghĩa là gì? Nghĩa tức là miễn đó là lẽ phải, thì sẽ làm mà không so đo tính toán.
Chỉ cần Nhân, Nghĩa này đã có thể đi khắp thiên hạ, chinh phục được nhân tâm, chẳng lẽ các chàng trai không chinh phục được các cô gái hay sao?
Ví như là chàng trai muốn được tôn trọng, thì trước hết hãy tôn trọng cô gái. Chàng trai ghét bị đùa giỡn tình cảm, thì trước hết phải chân thành. Và hãy che chở bảo vệ người yêu mình vì đó là việc hợp với lẽ phải, không nên so đo tính toán được mất. Làm vậy thì ở thời nào mà chẳng chinh phục được lòng người?
Ngược lại, nữ giới xưa cũng được giáo dục theo tinh thần của Nữ đức, chẳng hạn như nữ sử gia Ban Chiêu thời Đông Hán viết cuốn “ ” để giáo dục nữ giới. Bà cho rằng, người phụ nữ không cần phải tài hoa tuyệt thế, mà khi nhàn rỗi thường luôn tĩnh lặng, giữ lễ tiết chính trực, hành xử khuôn phép biết xấu hổ, động tĩnh luôn có phép tắc, ấy là phụ đức. Phụ ngôn chính là không cần phải biện luận ngôn từ sắc sảo, nhưng cần lựa lời mà nói, không nói những lời ác xấu, không nói dối gây thị phi, trái với đạo đức, phải nói đúng lúc đúng chỗ.
Phụ dung tức là không cần thiết phải có nhan sắc mỹ lệ, mà biết giặt sạch bụi bẩn, phục sức tinh tươm, tắm gội sạch sẽ, thân thể không nhơ nhuốc. Phụ công tức là không nhất thiết phải có kỹ năng kỹ xảo hơn người, mà cần chuyên tâm thêu thùa may vá, không gây mâu thuẫn hay đùa cợt quá phận, biết chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ, thiết đãi khách đến nhà.
Rõ ràng, nam nữ vẫn bình đẳng vì đều phải chịu nhận sự giáo dục và yêu cầu như nhau. Chỉ là vì đặc điểm tâm sinh lý khác biệt mà phân ra vai trò gánh vác khác nhau, nào có điểm gì gọi là trọng nam khinh nữ đâu.
Dĩ nhiên là khi đời sống xã hội và sinh hoạt thời hiện đại đã có những thay đổi, thì về hình thức VHTT cần có chút cải biến cho phù hợp, nhưng đạo lý cốt lõi của VHTT là không thay đổi, nó vẫn nhất quán mà không khiến con người hoang mang sai lạc. Nếu con người đối đãi với nhau theo tinh thần này thì sẽ đạt đến hòa hợp. Người xưa không quá đề cao tình yêu nam nữ mà sao gia đình bền vững, xã hội ổn định, chính là vì có VHTT vậy.
Rủi thay, VHTT đã bị CCP phá hủy từ năm 1949, những gì còn sót lại phải chịu nhận một định kiến sai lầm, hoặc thậm chí bị lợi dụng như hệ thống Viện Khổng Tử giẻ cùi tốt mã mà CCP lập ra khắp nơi trên thế giới, trong đó nội hàm VHTT đã bị cải biến hoàn toàn. Rõ là bình cũ mà rượu mới.
Vào đúng lúc trống trải đó, công nghệ lên ngôi, AI tiến tới thay thế con người. Phần còn lại, thì như chúng ta đang chứng kiến.
Quay trở về truyền thống mới là giải pháp để con người về với con người
Công nghệ nói chung, công nghệ trí tuệ nhân tạo nói riêng vẫn chỉ là một thứ công cụ và nên được đối xử như một thứ công cụ. Nó chỉ nên như một cánh tay hay một cẳng chân để giúp chúng ta tiết kiệm sức lực và dành công phu vào những lĩnh vực chỉ con người mới có thể làm được, hay là để con người dành thời gian cho nhau nhiều hơn.
Công nghệ không được phép thay thế cho trái tim con người, không nên là nơi để con người gửi gắm tình cảm và đời sống tinh thần phong phú. Yêu thương một con chó, một con mèo hơn một con người đã là quá đáng. Đằng này lại yêu thương một cái máy, một chương trình phần mềm hơn cả người thật thì nên gọi là gì đây?
Cơ thể người cực kỳ tinh vi, bộ não người vô cùng phức tạp tới trình độ và năng lực mà máy móc vĩnh viễn không thể đạt đến được. Nhưng con người cần hiểu về mình hơn sẽ khám phá năng lực vô tận của chính mình.
Một khi con người lệ thuộc công nghệ, con người đã trở nên yếu kém, sa sút, thoái hóa, sẽ bị thay thế hoặc biết đâu sẽ phải đối mặt với những thảm họa công nghệ như đã được cảnh báo trong rất nhiều nghiên cứu khoa học và các bộ phim giả tưởng. Việc xây dựng những mối quan hệ tình cảm lãng mạn giữa con người và robot của các tập đoàn chuyên về AI là một mục đích sai lầm mà trước sau con người sẽ phải trả giá.
Chỉ có con người mới nên và mới có thể có được mối quan hệ thân thiện với con người nhờ vào VHTT và đạo đức phổ quát của nhân loại. Có Nhân, Nghĩa, có đạo đức thì đi khắp thế gian đều được quý mến, bốn biển đều là nhà, nào cần gì phải ru hồn mình ôm ấp một mối quan hệ bế tắc bất thường với một cái máy đây.
Nguyên Vũ