Vì sao ông Trời nỡ lòng để bạn chịu khổ? Gợi ý cho bạn 4 điều này
Bao nhiêu chuyện trải qua trên đời chẳng qua đều chỉ là để tu luyện thân tâm mà thôi. Tu tốt cái tâm mới là bài học của chúng ta trong cuộc đời này…
Lộ trình của đời người chính là sinh, lão, bệnh, tử, tình yêu và sự chia ly, cơ bản ai cũng đều phải trải qua một lần. Chính như đại sư Lý Thúc Đồng đã nói, một đời này của con người chẳng qua là “sự đan xen giữa niềm vui và đau buồn”.
Người sống ở đời, tại sao phải trải qua nhiều sự ma luyện như vậy? Không chịu đựng gian khổ thì không được sao? Tuy nhiên, sự thật đã chứng minh, con người khi đến với cõi đời này, thì nhất định phải chịu đựng gian khổ, dù bạn sinh ra trong cung vàng điện ngọc, cũng không trắng khỏi “một mai xuân tận hồng nhan già, hoa tàn người mất chẳng ai hay”.
Ngoài tuổi già, bệnh tật và cái chết ra, còn có những màn tranh giành đấu đá vì lợi ích, khổ đau vì tình cảm. Có một phép ẩn dụ đơn giản: Trong tự nhiên có hai thỏi vàng và ba người, thì ba người này sẽ vì hai thỏi vàng này mà tranh tranh tới tranh lui. Đau khổ cũng phát sinh từ đây.
Như người ta thường nói: “Ở đời, chuyện không như ý thường tám, chín; lời nói với người chỉ hai, ba”. Nói chung, đau khổ của mỗi người là khác nhau, bất hạnh của mỗi người đều có đặc điểm riêng.
Tại sao ông Trời lại nỡ lòng để bạn chịu khổ, để bạn mắc bệnh, chịu khổ và mất mát, có thể là muốn gợi ý cho bạn 4 điều này.
1. Hãy tôn kính
Thịnh suy, sướng khổ, sinh già bệnh chết vốn là quy luật của tự nhiên. Chúng ta chỉ cần bình thản chấp nhận là được, cũng không cần phải nghĩ ngợi quá nhiều, dính mắc quá nhiều. Cũng như cái chết vốn là điều không thể tránh khỏi. Người sống trên đời, hỏi ai có thể siêu thoát vòng sinh tử đây?
“Sông trăng ngàn năm không thay đổi, con người cần theo lẽ tự nhiên”.
Trương Nhược Hư, thi nhân thời nhà Đường, đã nói: “Ở bên bờ sông người nào lần đầu thấy ánh trăng? Trăng và sông soi sáng người ta từ khi nào? Đời người vô tận kiếp này sang kiếp khác, trăng và sông năm nào nhìn cũng như nhau”.
Con người thay đổi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, luân hồi không ngừng nghỉ, nhưng dòng sông và vầng trăng vẫn không thay đổi. Đây là lẽ tự nhiên. Tất cả những gì con người cần làm chính là thuận theo tự nhiên, tôn kính quy luật của tự nhiên. Nên phải làm gì, thì hãy làm đó, làm tốt bổn phận của mình là được rồi.
2. Hãy trân trọng những gì bạn đang có
Khuyết điểm lớn nhất trong bản chất con người là luôn xem cái mình không có được là thứ tốt nhất, những gì đã có được đều không có giá trị.
Vì vậy, nhân gian mới có rất nhiều bi kịch. Lấy vấn đề “sống trong hiện tại” làm ví dụ. Một số người cảm thấy nếu kiếm được mấy triệu một tháng, thì họ sống không hạnh phúc bằng những người lương tháng mấy chục triệu, nên họ sống một cách bi quan, coi thường ý nghĩa của cuộc sống.
Nếu muốn thay đổi loại quan niệm này, chỉ cần ốm một trận thập tử nhất sinh là được. Trong lúc ốm đau suýt chết, quan niệm của họ sẽ thay đổi, họ cảm thấy chỉ cần khỏe mạnh là đủ, dù có tiền hay không chỉ cần được sống đã là tốt lắm rồi.
Nếu chưa bao giờ bị bệnh, bạn sẽ không quý trọng mạng sống của mình. Nếu chưa mất tất cả, thì sẽ không trân trọng những người và những thứ trước mặt.
Con người chính là như vậy, khi mất đi mới biết trân trọng. Người khôn ngoan sẽ không mong cầu những thứ xa vời, cũng không có quá nhiều ham muốn. Đối diện với cuộc sống, hãy tận sức mà làm, cố gắng trân trọng, vậy là được rồi. Những cái khác không cần để tâm quá nhiều.
Trí tuệ vĩ đại nhất của con người chính là: Trân trọng.
Bạn phải biết rằng hết thảy người và vật tồn tại đều chỉ là tạm thời. Nếu không trân trọng những thứ đang có, một khi đánh mất nó rồi thì khi đó dù có hối hận thì cũng đã muộn.
3. Phải tu tâm từ trong đau khổ
Cõi người chính là một đạo tràng, tất cả chúng ta đều là những người tu luyện trong đạo tràng này. Rốt cuộc có thể tu được đến bước nào, thì còn phải xem ngộ tính và bản sự của mỗi người.
Có những người sống cả một đời vẫn mơ mơ hồ hồ, đây là vấn đề của chính họ.
Có những người tu dưỡng cả một đời, nhờ vậy mà họ càng sống càng minh bạch, cũng nhìn thấu bản chất của thế gian con người, đây chính là năng lực của tự thân họ.
Vương Dương Minh, một bậc thầy về Tâm học, từ sớm đã nảy ra quan điểm “Cách vật trí tri”, tức là suy xét cho thấu suốt về sự vật để hiểu biết đến tận cùng cái lý của nó, ông đã suy ngẫm về cây tre trong vườn suốt bảy ngày đêm. Sau đó, ông bị một trận ốm nặng. Lúc nằm trên giường, Vương Dương Minh vẫn đang suy nghĩ xem quan điểm “cách vật trí tri” này có thực sự có đạo lý hay không?
Sau này, ông đã đưa ra câu trả lời của riêng mình: “Căn nguyên của mọi thay đổi luôn nằm ở trong tâm”. Cũng chính là nói, hết thảy vấn đề đều là vấn đề của tâm. Tâm bạn suy nghĩ thế nào thì bạn sẽ nhìn nhận vấn đề như thế ấy. Nếu tâm như rừng hoa, thì mọi thứ bạn nhìn thấy cũng là rừng hoa. Nếu tâm bạn giống như vực thẳm, thì cuộc đời bạn cũng sẽ tối tăm như vực thẳm.
Bao nhiêu chuyện trải qua trên đời chẳng qua đều chỉ là để tu luyện thân tâm mà thôi. Tu tốt cái tâm mới là bài học của chúng ta trong cuộc đời này.
4. Đừng để lại hối tiếc
Khi đứng trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết, con người đều sẽ cảm thấy thật quá đáng sợ. Mọi người đều chán ghét cái chết, chối bỏ cái chết và hy vọng nó sẽ không bao giờ xuất hiện. Tuy nhiên, cái chết là công bằng với tất cả mọi người và mọi vật, không chút thiên vị. Bất kể giàu sang hay nghèo hèn, mọi người đều bình đẳng trước sự sống và cái chết, cuối cùng đều sẽ phải ra đi.
Từ các bậc thánh nhân cho đến các bậc vua chúa, từ những quan chức quyền quý cho đến thường dân nghèo hèn, từ danh nhân nổi tiếng đến những kẻ vô danh tiểu tốt, tất cả họ cuối cùng chẳng phải đều trở về với cát bụi hay sao?
Có người sẽ nói, nếu kiếp người quá đau khổ như vậy, cuối cùng còn phải chết đi, vậy sống trên đời còn có ý nghĩa gì nữa? Đáp án chỉ có một, đó chính là mang lại ý nghĩa cho sinh mệnh. Ý nghĩa đích thực của sinh mệnh là hãy sống đúng với tự ngã chân thật của mình, nghe theo bản tâm của mình, muốn làm gì thì hãy kịp thời đi làm, đừng để lại hối tiếc cho cuộc đời này.
Người sống một đời, thời gian cùng lắm chỉ có trăm năm, nếu không tìm về bản tính chân thật của mình, sống đúng với tự ngã chân chính của mình, ngộ ra ý nghĩa thật sự của cuộc đời, nếu vậy đã thật sự phụ lòng ông Trời rồi.
Theo Secretchina
Thiện Quân biên dịch