Vì sao Thụy Sĩ càng phát triển lại càng giống nông thôn?

Vì sao Thụy Sĩ càng phát triển lại càng giống nông thôn?
(Ảnh: Tri Thức Mới)

Hãy tưởng tượng rằng, sau một ngày hè bận rộn, bạn rời công sở, nhưng không phải bằng xe riêng hay phương tiện công cộng, mà tản bộ ra đến bờ sông. Bạn vào phòng để thay đồ bơi ở gần đó, cho tất cả các thứ đồ còn lại từ quần áo, giầy dép đến máy móc vào một túi tránh nước. Gió mát thổi lồng lộng, bạn tiến ra mép nước, chào hỏi những người bơi xung quanh rồi đắm mình vào làn nước trong xanh, mát rượi. 

Bạn bơi khoan thai hoặc dựa thân vào một chiếc phao, chân khua nhẹ và để mặc thân mình xuôi theo dòng nước. Bạn ngửa mặt, ngắm bầu trời xanh cao vút, hoặc những tán cây ven bờ đang chầm chậm lùi lại về sau. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng nước róc rách êm đềm. Trên bờ, có chú chim nào hót nghe vui quá… Và kìa, ngôi nhà thân yêu đã ở trước mặt, cách bờ nước chỉ chừng trăm bước chân.

Thật đáng ngạc nhiên rằng, đó là cách mà người dân ở thủ đô Bern và thành phố Basel của Thụy Sĩ về nhà sau giờ làm. Câu chuyện thú vị này nói lên điều gì nhỉ?

Bơi về nhà - một lối sống đầy thích thú

Trong một video đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, Nick, một người dùng mạng xã hội chia sẻ: “Bạn có thể không tin điều này nhưng ở Thụy Sĩ, nhiều người thực sự đi làm về bằng đường sông. Họ tận dụng dòng nước như một phương tiện để về nhà. Bằng cách này, người dân sẽ tranh thủ tập thể dục, phơi nắng, cũng như tận hưởng một cuộc sống đầy tươi đẹp”.

Ở thủ đô Bern, sau khi tan sở, nhiều nhân viên cất đồ đạc vào trong túi chống nước, thay đồ tắm và thả mình xuôi theo dòng chảy sông Aare trong lành để về nhà.

Evelyn Schneider-Reyes - một nhân viên văn phòng người địa phương nói: "Tôi chỉ mất khoảng 30 giây để đi bộ từ văn phòng ra sông. Tôi để tất cả quần áo, giày dép, ví và điện thoại vào túi chống nước rồi bơi khoảng 15 phút về nhà".

Nhiệt độ ở Thụy Sĩ trong mùa hè là khoảng 18-28 độ C, nhiệt độ nước sông Aare dao động trong khoảng 15-22 độ C. Giới chức ở thủ đô Bern đã cho thiết lập các điểm lên xuống sơn đỏ, giúp người dân bám vào để lên bờ.

Cách đó khoảng 100km, người dân thành phố Basel cũng xuôi theo dòng chảy sông Rhine để về nhà sau khi tan sở. Ở đây còn có những nhà tắm công cộng được thiết lập ở bờ sông để người dân có thể tắm rửa, thay đồ.

Alexas, một blogger du lịch, đã mô tả: "Mọi người đều có chiếc túi chống nước hình con cá để đựng đồ. Trước giờ làm, sau giờ làm, người lớn, trẻ em, chó… tất cả đều trôi theo dòng sông Rhine để di chuyển".

Sông Rhine là con sông dài thứ 3 ở châu Âu sau sông Volga và Danube. Con sông này bắt nguồn từ hồ Tomasee trên dãy núi Alps thuộc địa phận của Thuỵ Sĩ. Sông Rhine chia thành phố Basel làm hai phần, một bên là khu vực phố cổ - trung tâm thương mại lâu đời, và bên còn lại tập trung các kiến trúc hiện đại, nhà hàng, quán bar, khu triển lãm v.v. Basel còn được gọi là “đóa hoa bên dòng sông Rhine thơ mộng”.

Theo khảo sát thì dòng chảy của hai con sông Aare và sông Rhine phù hợp để di chuyển. Tuy nhiên, người bơi cần tuân thủ một số biện pháp an toàn. Hoạt động này của người dân Bern và Basel khiến ngoại giới hết sức thích thú và hâm mộ. 

Bơi về nhà - hành động nhỏ hàm chứa ý nghĩa lớn

Có người cho rằng việc bơi thư giãn cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, đây không phải là bơi trong kỳ nghỉ ngắn ngày ở những công trình hoặc khu vực được tư nhân đầu tư quản lý, chăm chút; mà chính là người Thụy Sĩ bơi ở nơi công cộng, và bơi hàng ngày theo lộ trình từ công sở về nhà. Hành động này tuy đơn giản, nhưng đằng sau nó hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Trước hết, để có thể bơi hàng ngày, dòng sông phải đủ trong sạch, cũng như ven bờ phải đủ an toàn, lại xinh đẹp. Điều này chứng tỏ một trình độ quản lý công rất tốt và một xã hội ngăn nắp, trật tự của người Thụy Sĩ. Ngược lại, giả sử như nước sông Aare và sông Rhine mà có chất lượng vệ sinh như nước sông Seine hiện được dùng cho thi đấu Olympic, thì có biếu thêm tiền chắc cũng không ai dám bơi trên đó, dù chỉ một lần.

Rõ ràng, khi sông ở trong phố, phố có sạch thì sông mới sạch; phố sạch, sông sạch thì chắc chắn là nhờ ý thức sạch, văn hóa sạch; chính nó mới kiến tạo một đời sống thanh bình. Việc thoải mái bơi trên sông hàng ngày phản ánh lòng tin của người bơi vào môi trường trong sạch và con người lương thiện. Quả thực, nếu như người ta phải lo ngay ngáy về việc bị mất trộm đồ đạc, bị quấy rầy, làm phiền bởi những dịch vụ ăn theo trên bờ, dưới nước, hoặc bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng… thì mấy ai dám vô tư thả mình trên sông ngày lại ngày một cách khoan khoái đến thế.

Chưa hết, thay vì đi nhậu hay mê mải cuộc vui lúc tan tầm, người Thụy Sĩ đi bơi, và bơi thẳng về nhà, chứng tỏ rằng họ xem trọng gia đình và lựa chọn một cách sống lành mạnh.

Hoạt động bơi từ công sở về nhà hàng ngày cũng cho thấy đất nước Thụy Sĩ dù phát triển nhưng người dân lại thích sống chậm. Đời sống vật chất hiện đại tiện nghi không cản trở con người sống thuận theo tự nhiên, hòa mình với thiên nhiên; Thụy Sĩ giàu có nhưng không tất tả, thịnh vượng mà vẫn ung dung. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy nhiều điều đáng ngạc nhiên và đáng học tập ở đất nước này. 

Lối sống của người Thụy Sĩ - càng phát triển càng coi trọng cuộc sống cân bằng

Người ta phát hiện một hiện tượng kỳ lạ ở một số nước châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, và đặc biệt là Thụy Sĩ, đó là càng phát triển càng giống nông thôn.

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia giàu có của thế giới, nhưng thay vì những tòa nhà chọc trời, hoặc các biệt thự lộng lẫy, người Thụy Sĩ sống trong những ngôi nhà gỗ ở trên đồi, bên sườn núi hay ven hồ. Ngay cả ở thành phố Zurich lớn nhất và phát triển nhất ở Thụy Sĩ cũng khó tìm thấy một ngôi nhà nào có quá 5 tầng. Người Thụy Sĩ ưa thích môi trường yên tĩnh, không ồn ào náo nhiệt. Nhưng chính trong khung cảnh sống thong dong thanh bình này họ lại xây dựng nên những thương hiệu cả trăm năm tuổi, chẳng hạn như hãng sữa Nestle được thành lập từ năm 1866, đến nay đã được gần 160 năm tuổi. Hoặc thương hiệu đồng hồ hạng sang hàng đầu thế giới là Patek Philippe được xây dựng từ năm 1839. Hãng sản xuất thang máy cao cấp Schindler được thành lập từ năm 1874, cung cấp thang máy đi khắp thế giới, nhưng chẳng có mấy cơ hội cung cấp cho những người Thụy Sĩ thích ở nhà thấp tầng.

Nhịp sống ở vùng nông thôn Thụy Sĩ thoải mái, con người chậm rãi hưởng thụ đời sống bên cạnh công việc bận rộn bằng cách đi dạo trên các con đường quê, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với núi cao tuyết trắng, hồ nước trong xanh, thảm cỏ tươi tốt, cánh rừng hoang sơ, những vườn hoa lộng lẫy sắc màu bên những ngôi nhà gỗ sạch sẽ… và một sự bình yên tuyệt vời.

Người Thụy Sĩ có chung một tiêu chuẩn, đó là không làm việc vào buổi tối và cuối tuần, không chỉ với khối văn phòng mà với tất cả cửa hàng, trung tâm thương mại đều là như vậy, chỉ có các quán bar là ngoại lệ. Toàn bộ thành phố Zurich đóng cửa vào lúc 7 giờ tối các ngày trong tuần và 4 giờ chiều ngày thứ bảy. Vào ngày chủ nhật không có cửa hàng nào mở cửa.

Nhưng đừng vì vậy mà lầm tưởng người Thụy Sĩ không xem trọng công việc. Họ nổi tiếng là những người có tính kỷ luật cao và rất đúng giờ. Những người đúng giờ thường cũng xem trọng lời hứa, do vậy mọi việc được quản trị hiệu quả, lớn từ quốc kế dân sinh, nhỏ như chế tạo đồng hồ, đều chính xác, trật tự và ngăn nắp. Đến Thụy Sĩ, người ta thấy rằng hệ thống giao thông công cộng như tàu hỏa, xe bus, taxi và những hoạt động khác đều rất đúng giờ. Đằng sau sự đúng hẹn, đúng giờ ấy là văn hóa thành tín, xem trọng chữ tín.

Nhờ có tính kỷ luật, người Thụy Sĩ vượt qua được thử thách về điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi do không có biển, nhiều núi cao, mùa đông lạnh, ít cả tài nguyên và đất trồng trọt. Khi con người buộc mình phải kỷ luật, chính xác, đúng hẹn, tiết kiệm… thì đó là thứ mà văn hóa phương Tây gọi là chủ nghĩa khắc kỷ, còn người phương Đông gọi là sự ước thúc. Quả thực, dù ở Đông hay Tây, dù với cá nhân hay xã hội, nếu muốn vượt lên trên hoàn cảnh, vươn tới sự thịnh vượng, thì luôn cần đến tinh thần khắc kỷ hoặc sự ước thúc tiết chế tự thân cao độ.

Cô bé Heidi là hình tượng văn học nổi tiếng nhất của người Thụy Sĩ. Một cô bé ở trong hoàn cảnh thiếu cha mẹ, sinh tồn nơi núi cao khắc nghiệt, nhưng luôn yêu đời, không tự thấy mình khổ, lại đem tình yêu thương ấm như ánh nắng mai sưởi vào tâm hồn khô cằn của người lớn. Heidi là mối dây liên kết khiến mọi vật, mọi người ở miền núi cao này quan tâm lẫn nhau đầy ấm áp. Heidi được coi như một trong các biểu tượng tinh thần của người Thụy Sĩ.

Dường như quan niệm về cuộc sống hạnh phúc của người Thụy Sĩ có một sự khác biệt với ngoại giới, giống như một câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại.

Chuyện ngụ ngôn hiện đại: Nhưng tôi đã có được điều ấy rồi

Chuyện rằng.

Một doanh nhân chọn một làng chài bên bờ biển để nghỉ xả hơi sau một năm làm việc bận rộn. Một hôm, anh gặp một ngư phủ cập bờ trên con thuyền nhỏ, trong thuyền có vài con cá lớn. Doanh nhân hỏi ngư phủ mất bao lâu để bắt được chỗ cá này.

“Chỉ mất một lúc thôi”- ngư phủ trả lời.
“Tại sao ông không ở lại trên biển lâu hơn để bắt thêm cá?” - doanh nhân hỏi tiếp
“Tôi đã có đủ cá để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của gia đình tôi rồi” - ngư phủ đáp.
“Nhưng vậy thì ông làm gì với thời gian còn lại trong ngày?” - doanh nhân gặng hỏi.

Ngư phủ nói: “Tôi ngủ muộn, câu cá một chút, chơi với con, đi dạo với vợ, vào trong làng thưởng thức tí chút rượu và chơi guitar với bạn bè. Tôi có một cuộc sống đầy đủ và hài lòng”.

Doanh nhân lắc đầu nói: “Tôi giỏi kinh doanh và có thể giúp ông. Ông nên dành thời gian đánh cá nhiều hơn và lấy tiền bán cá để đóng một con thuyền lớn. Thuyền lớn hơn, sẽ đánh được nhiều cá hơn, sẽ mang lại nhiều tiền lãi hơn. Với số lãi đó, ông có thể mua thêm vài con thuyền nữa, thậm chí cả một đội tàu thuyền. Thay vì bán cá cho thương lái, ông có thể bán ngay cho đại lý, rồi sau này ông mở một cơ sở cá đóng hộp riêng. Với chu trình khép kín này, ông sẽ nắm quyền kiểm soát từ nguyên liệu, sản xuất, đến phân phối sản phẩm. Ông cũng cần phải rời làng chài nhỏ này rồi lên thành phố lớn để phát triển đế chế kinh doanh của mình”.

Ngư phủ hỏi: “Làm thế thì mất bao lâu?”
“Chừng 15 tới 20 năm” - doanh nhân trả lời
“Rồi sau đó thì sao?” - ngư phủ hỏi tiếp

Doanh nhân cười lớn: “Sau đó là phần tuyệt nhất. Khi cơ hội đến, ông sẽ đưa doanh nghiệp của mình lên sàn chứng khoán và bán cổ phiếu của mình ra thị trường. Ông sẽ trở nên vô cùng giàu có, ông sẽ kiếm được hàng triệu đô la!”

“Rồi sau đó thì sao?” - ngư phủ lại hỏi.
Doanh nhân đáp: “Thì sau đó ông sẽ về hưu. Rồi ông sẽ chuyển về ở một làng chài nhỏ, ngủ muộn, câu cá một chút, chơi với con, đi dạo với vợ, vào trong làng thưởng thức tí chút rượu và chơi guitar với bạn bè…”
“Nhưng tôi đã có được điều ấy rồi” - ngư phủ trả lời.

Sự cân bằng là đỉnh cao của cuộc sống

Một đất nước Thụy Sĩ giàu có với nhiều thương hiệu nổi tiếng chắc hẳn không hề thiếu nhữn

g doanh nhân tầm cỡ, gây dựng những thương hiệu quốc tế có tuổi đời hàng trăm năm nhưng đồng thời lại xem trọng cả hạnh phúc thường nhật, biết hưởng thụ cuộc sống bình dị giống như ngư phủ trong chuyện, hết mình với công việc mà không để công việc chiếm đoạt cuộc sống. Một quốc gia hiện đại nhưng không bị bị bê tông hóa, càng phát triển càng giống nơi thôn dã; Một nơi mà máy móc tân tiến không ngăn cản con người hòa thuận, hòa nhập với thiên nhiên. Và đất nước này ở giữa ba bề bốn bên là những thế lực hùng mạnh nhiều khi đối chọi lẫn nhau của châu Âu mà vẫn giữ được nền hòa bình, không sa vào các cuộc chiến tranh với ngoại quốc suốt hơn 2 thế kỷ, trong đó có cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Đó là khả năng dàn xếp tuyệt vời, cũng là cả may mắn phúc phần, và tinh thần tự chế ước mạnh mẽ… giống như một cô bé Heidi giữa lòng châu Âu vậy.

Bởi vì phải chăng, không chỉ là nhấn mạnh vào một phương diện, rằng nhất định phải là thế này hoặc là thế kia, mà phải dàn xếp tốt các thái cực để luôn giữ được sự cân bằng mới có thể vươn tới đỉnh cao của đời sống.

Nguyên Vũ

Đọc tiếp