Việt Nam nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý lên Liên Hiệp quốc

Việt Nam nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý lên Liên Hiệp quốc
Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng lên LHQ . (Ảnh: baochinhphu.vn)

Việt Nam chính thức nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) vào ngày 17/7, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ).

Hồ sơ được Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm trưởng đoàn đệ đơn.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp đệ trình nêu trên.

Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý được cho là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại điều 76 của UNCLOS.

Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông. (Ảnh: dav.edu.vn)
Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông. (Ảnh: dav.edu.vn)

Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

Trong Công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp Đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: ” Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.”

Hồi năm 2009, Việt Nam hoàn thành hai đệ trình: Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N) và Đệ trình  Ranh giới thềm lục địa khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C); đồng thời hợp tác cùng Malaysia xây dựng Đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với Khu vực Nam Biển Đông.

Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N), và nộp đệ trình chung với Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với Khu vực Nam Biển Đông lên CLCS.

Việt Nam và Philippines là hai trong những nước có tranh chấp chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông cùng với Trung Quốc, Đài Loan, Brunei và Malaysia.

Riêng Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở La hay vào tháng 7/2016 tuyên không có cả hiệu lực về pháp lý lẫn lịch sử.

Trọng Đức