Vương Dương Minh: Trong nghịch cảnh làm được 3 điều này, may mắn chắc chắn sẽ đến

Trên hành trình dài của cuộc đời, chúng ta sẽ luôn gặp phải những điều không như ý và trắc trở. Đúng như người xưa đã nói: "Cuộc sống không như ý muốn đến tám chín phần". Nghịch cảnh, tôi luyện nhân tính, cũng góp phần tạo nên sự phong phú và sâu sắc cho cuộc đời.
Vương Dương Minh , nhà Nho lỗi lạc thời nhà Minh, người sáng lập ra Tâm học Vương Dương Minh, với những tư tưởng cốt lõi bao gồm Tâm tức lý; Tri hành hợp nhất; và Trí lương tri, đã chủ trương hướng nội, tự giác và thực hành, khuyến khích con người thông qua việc tự tu dưỡng bản thân để đạt đến sự thăng tiến về đạo đức. Bản thân Vương Dương Minh đã trải qua rất nhiều gian truân, ông dạy chúng ta rằng: Khi cuộc sống gặp khó khăn, làm được ba điều này, may mắn sẽ lặng lẽ đến.
1. Giác ngộ nơi Long Trường: Giữ vững lòng tốt
Lòng tốt là phẩm chất cao quý của một con người. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần giữ được lòng tốt trong sáng, người đó vẫn đáng được tôn trọng.
Cuộc đời Vương Dương Minh đầy rẫy những oan trái. Trên triều đình, ông phải đối mặt với những âm mưu thủ đoạn, nơi chiến trường, ông chứng kiến cảnh chém giết tàn khốc. Nhưng ông vẫn luôn giữ được lòng tốt quý giá, suốt đời không từ bỏ.
Ban đầu, vì dâng sớ can gián, ông đắc tội với hoạn quan Lưu Cẩn, bị đánh 40 trượng, tống giam vào ngục. Sau đó, ông còn bị đày đến Long Trường, Quý Châu làm trạm dịch.
Long Trường khi ấy chỉ là một thôn nhỏ phía Tây Bắc Quý Dương. Nơi đây điều kiện khắc nghiệt, rừng rậm bao phủ, thú dữ rắn độc thường xuyên xuất hiện, khí độc bao trùm. Khi Vương Dương Minh cùng đoàn người mới đến, thậm chí không có chỗ ở, lại bất đồng ngôn ngữ với người dân tộc thiểu số địa phương.
Thế giới đối xử tệ bạc với Vương Dương Minh, nhưng ông đáp lại bằng lòng tốt. Ông chủ động học hỏi người dân địa phương cách trồng trọt, xây nhà, còn mở trường dạy học, giáo hóa dân làng, hòa hợp mối quan hệ giữa hai bên. Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, Vương Dương Minh vẫn luôn giữ một trái tim nhân hậu.
Khổng Tử nói: "Nhân có xa xôi gì đâu? Ta muốn nhân, thì nhân liền đến". Lòng tốt rất đơn giản, nhưng lòng tốt cũng rất khó. Nó không có ngưỡng cửa nào, nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là ánh sáng tỏa ra từ bên trong, là sức mạnh thầm lặng.
Dù một người ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần trong tâm còn có lòng tốt, thì người đó xứng đáng nhận được sự tôn trọng của chúng ta. Cuộc đời mười phần thì có đến tám, chín phần không như ý. Trong những ngày tháng khó khăn, hãy giữ vững lòng tốt của mình. Đừng lo được lo mất, đừng bi quan chán nản, đừng từ bỏ lòng tốt. Sau cơn mưa trời lại sáng, vượt qua màn đêm ắt sẽ thấy bình minh.
2. Vùng đất hoang vu: Tự kỷ luật, tự cường
Có những người khi gặp nghịch cảnh thì tự thương thân, trách phận, cứ thế chìm đắm trong đau khổ, nhưng cũng có những người âm thầm tích lũy sức mạnh, chờ đợi thời cơ để lật ngược tình thế. Sự tử tế, đàng hoàng chưa bao giờ là thứ người khác ban cho, mà là do chính bản thân mình cố gắng giành lấy.
Vương Dương Minh từ nhỏ đã có chí hướng trở thành thánh nhân. Sau khi lập lời thề, ông bắt đầu đặt ra quy củ cho bản thân, thúc ép mình đọc sách và viết văn. Trải qua bao sóng gió cuộc đời, thói quen đọc sách của ông vẫn không hề thay đổi.
Ông nói: "Công phu hằng ngày, nếu cảm thấy phiền não thì ngồi thiền, nếu cảm thấy lười đọc sách thì càng phải đọc sách, đó mới là cách chữa bệnh đúng thuốc."
Ý nghĩa của câu nói này là, trong quá trình tu dưỡng bản thân, nếu cảm thấy tâm trí xáo trộn, không yên thì hãy ngồi thiền, nếu cảm thấy tinh thần mệt mỏi, không muốn đọc sách thì càng phải ép mình đọc sách, đó mới là cách đối phó với "căn bệnh" lười biếng, sao nhãng.
Nóng vội, lười biếng là bản tính của con người, nhưng tu hành chính là đi ngược lại với bản tính của mình, đó mới là sự rèn luyện tâm tính.
Long Trường là vùng đất hoang vu, bệnh dịch hoành hành, người từ nơi khác đến chín phần mười là chết. Trong môi trường khắc nghiệt như vậy, Vương Dương Minh không những không gục ngã mà còn lột xác, cả về thể chất lẫn tinh thần, hoàn thành sự giác ngộ trong cuộc sống.
Có người nói: "Vương Dương Minh chấn chỉnh phong khí cũ, khai sáng phong khí mới, công lao không thua kém gì Hạ Vũ." Tại Long Trường, Vương Dương Minh đã tập hợp được vô số tín đồ thông qua hình thức giảng học. Tâm học chủ trương thực hành chứ không phải là nói suông, những lời dạy như "Bản tính của ta vốn đã đầy đủ", "Ai ai cũng có thể trở thành thánh nhân" đã thổi một luồng sinh khí mới tràn đầy sức sống trên khắp đất nước Trung Hoa.
Một nhà văn đã nói: "Phẩm giá và sự đàng hoàng của một người đều đến từ sự phấn đấu của cá nhân đó." Một người bằng nỗ lực của chính mình, không chán nản, không bỏ cuộc, thì đã giành được sự tôn trọng của người khác.
3. Vinh nhục bất động: Khí định thần nhàn
Một người có nội tâm mạnh mẽ, bất kể phải đối mặt với hoàn cảnh nào trong cuộc sống, đều có thể bình tĩnh xử lý.
Vương Dương Minh từ nhỏ đã thông minh hơn người, cộng thêm cha là Trạng nguyên đương triều, nên gia tộc đặt rất nhiều kỳ vọng vào ông. Nhưng Vương Dương Minh lại liên tiếp hai lần thi trượt khoa cử, nhiều người trong tộc bắt đầu nói ra nói vào.
Lần thứ hai yết bảng, Vương Dương Minh đi xem. Kết quả vừa ra, có người mừng rỡ như điên, có người khóc lóc thảm thiết, chỉ có Vương Dương Minh đứng đó khí định thần nhàn.
Có người hỏi ông: "Ông thi thế nào?" Vương Dương Minh đáp: "Trên bảng không có tên." Người kia nói: "Vậy mà ông vẫn bình tĩnh như vậy, chẳng có chút xấu hổ nào sao?" Vương Dương Minh đáp: "Ngươi lấy việc trượt bảng làm xấu hổ, ta lấy việc dao động làm xấu hổ." Câu nói này xuyên suốt cuộc đời Vương Dương Minh, ông từng nói: "Bài học đầu tiên của tâm học, chính là bất động tâm."
Chỉ có hiểu được bất động tâm, mới có thể đạt được sự nghiệp. Bị đày đến Long Trường, con đường làm quan vô vọng, ông vẫn bình tĩnh đọc sách. Trên hồ Bà Dương, tiếng la giết vang trời, ông vẫn an tâm giảng học. Trên triều đình, được phong hầu bái tướng, ông không hề dao động.
Môn đệ từng hỏi làm thế nào mới có thể bất động tâm? Vương Dương Minh đáp: "Giảm bớt dục vọng thì nội tâm sẽ yên tĩnh." Một người khi đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời mà không thể thản nhiên, là bởi vì trong lòng còn quá nhiều dục vọng.
Một người có nội tâm thực sự mạnh mẽ, không phải là chinh phục được điều gì, mà là có thể chịu đựng được điều gì. Một câu trong Thái Căn Đàm: "Người thường lấy thuận cảnh làm vui, còn người quân tử lấy vui từ trong nghịch cảnh mà ra."
Một người có nội tâm thực sự mạnh mẽ, có thể đối mặt với khó khăn, chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng, học cách tận nhân lực tri thiên mệnh. Dù ở trong nghịch cảnh, vẫn giữ thái độ lạc quan, bình thản và tự tin, không vui mừng vì vật chất, không buồn phiền vì bản thân, không kinh ngạc trước sự sủng ái và vinh quang, thong dong ngắm hoa nở hoa tàn trước cửa.
Theo Secrecchina
Minh Nguyệt