Xu hướng người Triều Tiên chạy trốn đang gia tăng

Xu hướng người Triều Tiên chạy trốn đang gia tăng
Trong khi Bắc Triều Tiên đang tăng cường củng cố biên giới để ngăn chặn người dân đào tẩu, lại có thêm một quân nhân đang tại ngũ đào thoát sang Hàn Quốc. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

 Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh mở rộng bức tường biên giới, tái vũ trang các trạm gác và chôn thêm nhiều mìn để ngăn chặn người dân đào tẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể ngăn cản người dân Bắc Triều Tiên tìm cách trốn thoát đầy sáng tạo.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, sáng hôm qua đã xảy ra một vụ đào tẩu ngoạn mục mới: một người lính Bắc Triều Tiên đã đi bộ băng qua khu vực phi quân sự được canh gác nghiêm ngặt giữa hai miền Triều Tiên để tìm kiếm tự do. Đây là trường hợp một quân nhân tại ngũ đào tẩu đầu tiên kể từ năm 2019.

Sự gia tăng gần đây trong các trường hợp đào tẩu của tầng lớp được bảo vệ ở Bắc Triều Tiên đã xác nhận một đánh giá bên ngoài rằng sự bất mãn mà ông Kim Jong-un hiện đang bận rộn đối phó cuối cùng có thể đe dọa quyền lực thực sự của ông.

Lúc này, Bắc Triều Tiên đang thiếu lương thực, nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và nhân quyền tiếp tục xấu đi. Để ngăn chặn người dân chạy trốn trong những năm gần đây, chính quyền ông Kim Jong-un không chỉ tăng cường an ninh mà còn không ngần ngại ra lệnh bắn chết tại chỗ.

Tuy nhiên, trong số rất ít người Bắc Triều Tiên có thể ra nước ngoài, ngày càng có nhiều người nắm bắt cơ hội để chạy trốn. Theo dữ liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, số lượng những người đào tẩu thuộc tầng lớp được gọi là ưu tú, chẳng hạn như các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên và sinh viên ở nước ngoài, đã đạt mức cao mới trong những năm gần đây.

Và người lính Bắc Triều Tiên không rõ danh tính đã vượt biên vào ngày hôm qua đã vào Hàn Quốc từ cực đông của Khu phi quân sự dài khoảng 240 km và rộng hơn 3 km. Theo các phương tiện truyền thông địa phương dẫn lời các quan chức giấu tên, người lính đào tẩu được cho là ở độ tuổi 20 và có cấp bậc tương đối thấp. Trên đường đi, anh ta có thể phải đi vòng qua hàng rào dây thép gai, băng qua bãi mìn và tránh sự chú ý của các binh sĩ tuần tra, cuối cùng bước những bước cuối cùng hướng tới tự do dưới sự hướng dẫn của binh lính Hàn Quốc.

Việc một quân nhân đào tẩu đã làm tan vỡ hy vọng của ông Kim Jong-un  về việc biến Bắc Triều Tiên thành một thiên đường xã hội chủ nghĩa.

Ông Kang Dong-wan, cựu giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Tái định cư cho Người đào tẩu Bắc Triều Tiên, cho biết sự gia tăng bất mãn là điều hiển nhiên, khi ngày càng có nhiều người bất chấp kiểm soát biên giới và chọn những con đường cực đoan để trốn thoát.

Giáo sư Kang Dong Wan, hiện đang giảng dạy tại Đại học Dong A (Hàn Quốc), nhận định: "Việc thiết lập nhiều rào cản tại biên giới cho thấy rõ ràng chính quyền Kim Jong-un ý thức được sự bất mãn trong nước và muốn ngăn chặn làn sóng đào tẩu."

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mỗi năm có hơn 1.000 người Bắc Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ chính quyền Seoul, trong nửa đầu năm 2024 chỉ có 105 người, và trong cả năm 2023 con số này thậm chí còn chưa đến 200.

Mặc dù số lượng người đào tẩu đã giảm, nhưng các tuyến đường được chọn lại trở nên khác biệt hơn bao giờ hết. Đầu tháng này, một người Bắc Triều Tiên đã vượt qua biên giới biển phía Tây bằng cách đi bộ trong thời gian thủy triều xuống và đến một hòn đảo của Hàn Quốc gần đó. Năm ngoái, một nhóm người Bắc Triều Tiên đã vượt qua biên giới biển trên một chiếc thuyền gỗ, và một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đóng tại Cuba đã táo bạo đào tẩu sang Hàn Quốc.

Ông Kim Jong-un đã nói rõ rằng ông không muốn người dân chạy sang Hàn Quốc. Ngoài việc liệt Hàn Quốc là kẻ thù số một của Triều Tiên vào tháng 1, tăng cường trấn áp các tác phẩm Hàn Quốc, ông còn cắt đứt mọi kênh liên lạc giữa hai bên.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Ho đã nói với các thành viên Quốc hội vào tháng 6: "Sự mất lòng tin của người dân Triều Tiên đối với chế độ dường như ngày càng gia tăng". "Hành động thay đổi chính sách liên Triều của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhằm mục đích chuyển hướng sự bất mãn về tình hình khó khăn của Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc."

Theo Aboluowang
Minh Nguyệt

Đọc tiếp