Yêu thương con người, quý trọng vạn vật, đạt đến cảnh giới thiện tối cao

Yêu thương con người, quý trọng vạn vật, đạt đến cảnh giới thiện tối cao
Yêu thương con người, quý trọng vạn vật, đạt đến cảnh giới thiện tối cao. (Ảnh: Public Domain)

Cổ ngữ có câu: "Thiên địa chi đại đức viết sinh"; "Phúc tải quần sinh ngưỡng chí nhân, phát minh vạn vật giai thành thiện". Người xưa cho rằng trời đất tạo ra vạn vật và ban cho chúng những đức tính tốt đẹp, đặt ra quy luật cho chúng, sinh ra vạn vật đều có lòng nhân từ.

Xuất phát từ quan niệm vũ trụ Thiên nhân hợp nhất, văn hóa truyền thống Trung Quốc coi trọng tinh thần nhân ái, yêu cầu con người nghĩ cho người khác, giúp đỡ người khác, trân trọng sự sống, sống hài hòa với thiên nhiên vạn vật. Sau đây là một số câu nói và ví dụ cụ thể thể hiện chữ "Nhân" trong văn hóa truyền thống:

Tư tưởng nhân ái là quan niệm cốt lõi của văn hóa Nho gia, cho rằng người nhân từ có thể hòa làm một với trời đất vạn vật, đạt đến nhân cách quân tử. Trong Kinh Dịch có câu: "Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức; địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật". "Thiên hành kiện" và "Địa thế khôn" đều là đạo của trời đất, tinh thần căn bản của đạo trời đất là "vô tư".

Quân tử là tấm gương cho người đời, nên noi theo, thuận theo đạo trời đất. Đại ý của câu nói này là vận hành của thiên thể thể hiện tinh thần cương kiện, quân tử nên tự cường bất tức để hoàn thành trách nhiệm của mình; tấm lòng của quân tử rộng lớn như đất trời, đức hạnh dày sâu như đất trời, cho nên có thể nuôi dưỡng vạn vật, gánh vác vạn vật, bao dung vạn vật, khiến vạn vật đều sinh sôi nảy nở.

Khổng Tử đã đặt Nhân ngang hàng với Mệnh, tức là nâng nó lên tầm Thiên mệnh, Thiên đạo. Khổng Tử nói: "Trời sinh ra đức cho ta" (Luận ngữ - Thuật nhi), "Người mà không có nhân, thì lễ để làm gì? Người mà không có nhân, thì nhạc để làm gì?" (Luận ngữ - Bát dật), cho rằng con người sống ở đời, làm bất cứ việc gì cũng nên lấy nhân làm cơ sở và tiền đề.

Phàn Trì hỏi về nhân, Khổng Tử nói "Yêu người'; Nhan Uyên hỏi về nhân, Khổng Tử nói "Khắc kỷ phục lễ là nhân"; Khổng Tử còn nói "Người nhân là người muốn tự mình đứng vững thì giúp người khác đứng vững, muốn tự mình thành đạt thì giúp người khác thành đạt"; "Ra ngoài như gặp khách quý, sai khiến dân như đang làm lễ tế lớn. Mình không muốn thì đừng làm cho người khác", ý là mình muốn gì thì cũng nên giúp người khác đạt được, ra ngoài gặp ai cũng cung kính như đang đón tiếp khách quý, tức là đối với tất cả mọi người trong xã hội đều tôn trọng. Khổng Tử ở đây muốn nói làm việc phải nghiêm túc, đối xử với người khác khoan dung, trọng chữ tín, đối xử tốt và không làm hại người khác.

Mạnh Tử đưa ra Đức tính, Lương tri thuộc về bản tính con người, làm người phải giữ thiện tính và không ngừng nâng cao cảnh giới đạo đức, mỗi người đều có lòng thương người.

Mạnh Tử - Cáo Tử thượng có viết: "Lòng trắc ẩn, ai cũng có; lòng xấu hổ, ai cũng có; lòng cung kính, ai cũng có; lòng thị phi, ai cũng có". Mạnh Tử gắn trách nhiệm đạo đức với việc an thân lập mệnh, nói: "Quân tử không gì lớn hơn là làm việc thiện với người khác", cho rằng đức hạnh cao nhất của quân tử là cùng người khác làm việc thiện, chủ trương thi hành chính sách nhân từ và giáo hóa bằng đức, khơi dậy lòng tốt và tinh thần trách nhiệm của con người, để xã hội hình thành phong cách "yêu dân mến vật".

Lễ ký - Trung Dung có câu: "Đạt đến trung hòa, trời đất sẽ vào vị trí, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở", coi trọng sự hài hòa giữa con người với trời đất tự nhiên; Kinh Thi - Hạn lộc miêu tả cảnh vạn vật sinh sôi nảy nở: "Diều bay liệng trên trời, cá bơi lội dưới vực", khiến người ta cảm nhận được sức mạnh của sự đổi mới và sinh sôi không ngừng.

Trương Tải thời Bắc Tống nói: "Trời gọi là cha, đất gọi là mẹ, dân là anh em ruột thịt của ta; vật là bạn của ta" (Tây Minh); Vương Phu Chi trong Trương Tử Chính Mộng Chú đưa ra quan điểm lấy trời đất làm cha mẹ, phải "thể nghiệm trời đất mà yêu dân mến vật"; Chu Đôn Di thời Bắc Tống nói về đạo Nội Thánh Ngoại Vương: "Xưa kia bậc thánh vương chế định lễ pháp, sửa sang giáo hóa, Tam cương ngay thẳng, Cửu châu thứ tự, trăm họ hòa thuận, vạn vật đều tốt đẹp".

Các nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại cho rằng, "sinh" (tạo ra sự sống) chính là "nhân", là thiện, vì vậy cho dù là văn học nghệ thuật hay các loại hình nghệ thuật khác, đều nhấn mạnh việc thể hiện "sinh khí" và "sinh ý" của trời đất vạn vật, ca ngợi vẻ đẹp hài hòa của trời đất và đức tốt lành của Thượng đế.

Câu nói nổi tiếng trong kinh điển Lễ Ký - Đại Học: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện" (Tạm dịch: Đạo của bậc đại học, ở chỗ làm sáng tỏ đức hạnh của bản thân, ở chỗ gần gũi yêu thương dân chúng, ở chỗ đạt đến cảnh giới thiện tối cao).

Văn hóa truyền thống rất coi trọng tinh thần đảm đương, lấy thiên hạ làm nhiệm vụ của mình như một trách nhiệm xuất phát từ nội tâm và tấm lòng lo cho nước, thương dân.

Tăng Tử từng nói: "Kẻ sĩ không thể không rộng lượng và kiên cường, bởi vì trách nhiệm nặng nề mà con đường lại xa xôi. Lấy nhân làm nhiệm vụ của mình, chẳng phải là nặng nề lắm sao?". Câu nói này đề cao việc lấy thực hiện đức nhân làm trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm ấy chẳng phải rất trọng đại hay sao? Vì vậy, người quân tử phải có ý chí kiên cường.

Các bậc thánh hiền thời xưa đã làm gương cho hậu thế. Ví dụ như Ngũ đế thời thượng cổ, thuận theo ý trời mà cai trị, ân trạch khắp thiên hạ, khiến người dân tự giác tin theo và tôn kính đạo lớn, thiên hạ thái bình và hòa thuận.

Khổng Tử coi trọng việc tu dưỡng đức hạnh, suốt đời kiên trì phát huy đạo nghĩa. Đường Thái Tông nghiêm khắc với bản thân, thi hành chính sách tốt đẹp, yêu thương dân chúng, mở ra thời kỳ thịnh trị "Trinh Quán chi trị", chính sách "Dung hòa vạn quốc" khiến muôn dân quy phục và kính ngưỡng.

Câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) được các bậc nhân sĩ nhiều đời sau noi theo.  

Mấy nghìn năm qua, văn hóa truyền thống Trung Hoa với những đặc trưng cơ bản là coi trọng tâm tính, nhân ái và theo đuổi cảnh giới thiên nhân hợp nhất đã quy phạm tư tưởng và hành vi của con người. Nho gia đề xướng ý thức "nhân giả ái nhân" (người nhân đức thì yêu thương người khác), Đạo gia nói "vô vi nhi vi" (không can thiệp mà mọi việc tự thành), trừng ác dương thiện; Phật gia nói Phật pháp vô biên, từ bi phổ độ chúng sinh, dạy con người hướng thiện.

Tất cả các chính giáo trong lịch sử đều thông qua việc thức tỉnh lương tri bản tính của con người, khuyến khích con người theo đuổi chân lý, để sinh mệnh đích thực của bản thân có một tương lai tốt đẹp.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt

Đọc tiếp