Yếu tố Trung Quốc phía sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Venezuela

Yếu tố Trung Quốc phía sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Venezuela
Ông Maduro (phải) tại Bắc Kinh trong một chuyến thăm Trung Quốc ( Ảnh: @upholdreality/X)

Venezuela đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới trong những ngày gần đây. Lý do rất đơn giản: ông Nicolas Maduro, tổng thống hiện tại, đã từ chối rời nhiệm sở, mặc dù ông có khả năng thua cuộc trong cuộc bầu cử ngày 28 tháng 7. Các cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri cho thấy một thất bại nặng nề cho người đương nhiệm, nhưng một cơ quan bầu cử không minh bạch đã trao cho ông một chiến thắng sít sao.

Quyết định này có thể tượng trưng cho bước cuối cùng trong việc thiết lập chế độ độc tài ở quốc gia Nam Mỹ này, nhưng cũng có thể là một tình huống mới trong đó một nhà lãnh đạo độc tài “chôn vùi” một phong trào dân chủ. Để hoàn thành công việc, ông Maduro được sự ủng hộ vô điều kiện của một trong những đồng minh thân cận nhất của mình: ĐCSTQ.

Bằng chứng rất rõ ràng. Trong những tình huống gần đây khi tính hợp pháp của Maduro bị thách thức, Nhà cầm quyền Trung Quốc đã ném cho ông một đường dây cứu sinh để duy trì quyền lực. 

Ví dụ, vào năm 2013, Bắc Kinh là một trong những quốc gia đầu tiên mà ông Maduro đến thăm sau chiến thắng gây tranh cãi của ông trước ứng cử viên đối lập cũ Henrique Capriles. Vào thời điểm đó, hầu hết các quốc gia ở Tây Bán Cầu đều nghi ngờ về kết quả, nhưng chính Trung Quốc đã quyết định nâng cấp mối quan hệ song phương với Venezuela lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và chuyển khoảng 14 tỷ đô la để đảm bảo quyền lực của ông Maduro.

Một ví dụ khác xảy ra vào năm 2018, khi chính phủ của ông Maduro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mới sau khi thay đổi một số quy tắc dân chủ, chẳng hạn như luận tội các ứng cử viên đối lập chính và hủy bỏ việc đăng ký của các đảng phái chính trị đối lập.

Kết quả và hậu quả vẫn giống như năm 2013. Cả phe đối lập và cộng đồng quốc tế đều từ chối công nhận việc tái đắc cử của ông Maduro. Trong khi đó, tổng thống Venezuela phải đối mặt với sự từ chối của một số lượng lớn các quốc gia, nhiều quốc gia trong số đó không chấp nhận tính hợp pháp của chính phủ của ông. 

Tuy nhiên, một lần nữa Trung Quốc đã ủng hộ đồng minh vô điều kiện của mình bằng cách đưa ra sự công nhận ngoại giao và hỗ trợ kinh tế. Hơn nữa, Đích thân ông Tập Cận Bình đã tiếp ông Maduro tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2018, một thời điểm mà nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.

Mong muốn của ông Tập đã thành hiện thực. Trong những năm gần đây, Trung Quốc không chỉ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ về mặt ngoại giao và hỗ trợ kinh tế cho Venezuela mà còn mang đến những biểu hiện mới về lòng trung thành và sự bảo vệ đối với chính quyền ông Maduro.

Năm 2019, Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để ngăn chặn việc công nhận Juan Guaido, cựu chủ tịch Quốc hội, là nguyên thủ quốc gia. Sau đó, Bắc Kinh đã gửi thuốc đến Caracas trong thời gian đại dịch.

Cuối cùng, các quan chức Trung Quốc đã cho phép một công ty quốc phòng quốc gia vận chuyển nguồn cung cấp dầu của Venezuela đến lãnh thổ của mình, một biện pháp cho phép chính quyền ông Maduro lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của mình.

Trung Quốc và chính phủ Venezuela gần đây đã trở nên gần gũi hơn. Kể từ chuyến thăm Bắc Kinh gần đây nhất của ông Maduro vào tháng 9 năm 2023, mối quan hệ song phương đã được nâng cấp một lần nữa và hiện được coi là quan hệ đối tác toàn diện. Và sự tiếp xúc giữa hai bên đã tăng lên, đưa những nhân tố mới như doanh nhân, thống đốc địa phương và các quan chức cấp trung vào mối quan hệ.

Bắc Kinh cũng đã nâng cấp sự ủng hộ chính trị của mình đối với chính quyền ông Maduro. Vào tháng 3, họ đã ủng hộ Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela trong bối cảnh Hoa Kỳ chỉ trích sự thiếu minh bạch và thiên vị của hội đồng này. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc Washington tịch thu Citgo, một công ty con có trụ sở tại Hoa Kỳ của công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA, là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela. 

Bài học rút ra rất rõ ràng: Bắc Kinh không chỉ bảo vệ đồng minh của mình mà còn sử dụng ảnh hưởng của mình đối với chính quyền Venezuela để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Mỹ Latinh.

Tuần này, chính phủ Trung Quốc một lần nữa đã tiêm cho đồng minh Nam Mỹ của mình một “mũi tiêm”. Ngay sau khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống ngày 28 tháng 7 được công bố, Bắc Kinh chỉ mất bốn giờ để công nhận chiến thắng của Maduro, mặc dù có những nghi ngờ nghiêm trọng về tính hợp lệ và tính công bằng của kết quả. 

Việc Bắc Kinh nhanh chóng chúc mừng tổng thống Maduro về chiến thắng bầu cử thực sự đáng ngờ. Phản ứng của ngoại giao của Trung Quốc không chỉ quá nhanh chóng mà còn khác xa với sự thận trọng truyền thống được thể hiện trong các tình huống trước đây của họ.

Nhưng ngoài những cân nhắc về khả năng gian lận bầu cử -- kết quả đang bị phe đối lập chính của Venezuela thách thức -- lập trường của Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng ủng hộ những đồng minh đảm bảo tiến độ đạt được hoặc duy trì các mục tiêu phát triển quốc gia. 

Ông Maduro biết điều này và do đó đang chơi “lá bài chủ” của Trung Quốc để tiếp tục phớt lờ kết quả được thể hiện tại thùng phiếu ở nước này.

Hiện tại, sau khi các lập trường ngoại giao về tình hình Venezuela được xác định, Carlos Eduardo Pina là một nhà khoa học chính trị chuyên về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh cho rằng có thể mong đợi hai kịch bản có thể xảy ra. 

Kịch bản đầu tiên là khi ông Maduro có thể ổn định và xua tan những nghi ngờ về chiến thắng gây tranh cãi của mình, ông sẽ một lần nữa quay sang đồng minh Trung Quốc để có được sự hỗ trợ cần thiết để tiến vào cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn là để đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho sự tồn tại kinh tế của đất nước.

Một kịch bản khả thi khác, mặc dù không chắc chắn, là phe đối lập Venezuela có thể ‘xoay xở’ để các cơ quan bầu cử công nhận chiến thắng của mình và tự khẳng định mình là chính phủ tiếp theo. 

Nếu điều này xảy ra, ngoại giao Trung Quốc không chỉ bị phơi bày vì tốc độ cực nhanh trong việc công nhận Maduro, mà còn có thể phải đối mặt với tình huống mà một chính phủ có thể do ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez Urrutia đứng đầu, sẽ đưa quan hệ Trung Quốc-Venezuela lên một giai đoạn mới của sự ngờ vực lẫn nhau.

Đây không phải là vấn đề nhỏ đối với Trung Quốc, vì chính phủ của họ rất cẩn thận về hình ảnh bên ngoài của mình, điều này đã được củng cố trong nhiều năm qua bằng cách bảo vệ mạnh mẽ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. 

Trong những tuần tới, chúng ta sẽ biết liệu việc Trung Quốc đặt cược vào ông Maduro có thành công một lần nữa như đã từng xảy ra vào năm 2013 và 2018-2019 hay không. Hoặc giả, sự kiện này sẽ cung cấp một bài học cho Bắc Kinh trong mối quan hệ của họ với khu vực Mỹ Latinh.

Theo Nikkei Asia
Bảo Thư